Dược phẩm giả gây ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh

Minh Đức-Thứ tư, ngày 07/08/2019 14:31 GMT+7

VTV.vn - Thuốc giả là mối nguy hại lớn cho xã hội, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho người sử dụng mà còn vô hiệu hóa các liệu pháp điều trị để cứu sống người bệnh.

Theo Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), thời gian gần đây mặc dù thuốc giả, thuốc kém chất lượng chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trên thị trường dược phẩm nhưng đã gây ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe và tính mạng của người bệnh.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ thuốc giả còn thấp, tuy nhiên do thói quen mua, bán thuốc mà không có hóa đơn, thậm chí không cần đơn thuốc của bác sĩ lại là điều kiện thuận lợi cho nạn thuốc giả tung hoành.

Theo định nghĩa của WHO, một sản phẩm là thuốc giả có thể chứa thành phần dược chất khác với thông tin trong hồ sơ đăng ký, hoặc thậm chí là không có dược chất. Trường hợp khác có thể chứa đúng thành phần hoạt chất nhưng với hàm lượng/nồng độ không đúng hoặc sản phẩm được đóng gói trong bao bì giả mạo về nguồn gốc và tính xác thực của sản phẩm.

Luật Dược (2016) của Việt Nam quy định các trường hợp là thuốc giả như sau:

- Không có dược chất, dược liệu;

- Có dược chất không đúng với dược chất ghi trên nhãn hoặc theo tiêu chuẩn đã đăng ký lưu hành hoặc ghi trong giấy phép nhập khẩu;

- Có dược chất, dược liệu nhưng không đúng hàm lượng, nồng độ hoặc khối lượng đã đăng ký lưu hành hoặc ghi trong giấy phép nhập khẩu, trừ các trường hợp thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng trong quá trình bảo quản, lưu thông phân phối;

- Được sản xuất, trình bày hoặc dán nhãn nhằm mạo danh nhà sản xuất, nước sản xuất hoặc nước xuất xứ.

Theo thống kê của Bộ Y tế cho thấy, qua việc thực hiện các biện pháp giám sát, kiểm tra chất lượng thuốc ở Việt Nam, hiện tỷ lệ thuốc kém chất lượng chiếm khoảng 2% số mẫu, thuốc giả là 0,01% số mẫu.

Do đặc trưng hệ thống phân phối trong nước còn thiếu tính chuyên nghiệp, thuốc phải đi qua nhiều trung gian khiến chi phí phân phối bị tăng lên, khó truy xuất nguồn gốc cũng như kiểm soát chất lượng sản phẩm.

Thông tin về người mua thuốc tại các cơ sở bán lẻ không được lưu giữ một cách thích hợp, việc thực hiện các quy định liên quan đến hoá đơn chứng từ trong mua bán thuốc tại các cơ sở còn chưa thật nghiêm túc, đặc biệt là phân phối thuốc tại các khu vực vùng sâu vùng xa trong khi đội ngũ cơ quan quản lý và giám sát chất lượng thuốc tại các tỉnh và thành phố vẫn còn chưa đủ sức bao phủ khiến cho việc phát hiện thuốc giả, thu hồi thuốc kém chất lượng càng trở nên khó khăn hơn.

Bên cạnh đó, sự bùng nổ của mạng internet cũng là môi trường thuận lợi để đưa sản phẩm thuốc giả đến tận tay người bệnh. Với công nghệ ngày càng hiện đại, hầu hết các loại thuốc đều có nguy cơ bị làm giả với hình dạng, bao bì, nhãn mác giống như thuốc thật. Trong đó có rất nhiều loại thuốc đặc trị, kháng sinh đã bị làm giả như: thuốc điều trị tim mạch, tiểu đường, ung thư, thần kinh, hỗ trợ sinh lý…

Thuốc giả không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho người sử dụng mà còn vô hiệu hóa các liệu pháp điều trị để cứu sống người bệnh. Đối với kháng sinh, nếu dùng phải thuốc giả có thể dẫn đến sự xuất hiện của các vi khuẩn kháng thuốc.

Đối với người mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường… phải dùng thuốc trong thời gian lâu dài, nếu dùng phải thuốc giả thì sẽ đe dọa tới tính mạng vì quá trình điều trị không hiệu quả, bệnh ngày càng nặng hơn do cả cán bộ y tế và người bệnh đều cho rằng đã sử dụng đúng loại thuốc phù hợp.

Với các thuốc giả, những tác dụng phụ trên bệnh nhân có khả năng xảy ra thường xuyên và khó kiểm soát do cán bộ y tế không xác định chính xác thành phần hoạt chất trong thuốc giả. Trong đó nguy hiểm nhất là ngộ độc thuốc và dị ứng thuốc. Một số trường hợp thuốc giả chứa hoạt chất, thậm chí là tá dược kém chất lượng không tinh khiết và lẫn độc chất thì người dùng thuốc có thể tử vong. Các kim loại nặng và các chất độc có thể gây triệu chứng nhiễm độc bao gồm thay đổi chức năng tim, biến đổi nồng độ đường huyết, khó thở hay suy giảm chức năng của các cơ quan trọng của cơ thể.

Các thuốc giả được sản xuất tại cơ sở không đảm bảo điều kiện và tiêu chuẩn quy định có thể chứa nhiều vi khuẩn và nấm mốc, điều này đặc biệt nghiêm trọng đối với trường hợp các thuốc dùng đường tiêm hoặc trên những người bệnh bị suy giảm miễn dịch.

Đặc biệt, bệnh nhân rất khó để phân biệt một sản phẩm là thuốc giả bởi vì chúng thường được đóng gói một cách kỹ lưỡng giống hệt với các thuốc chính hãng nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Để phát hiện thuốc kém chất lượng chỉ có cách duy nhất là đưa đến kiểm nghiệm tại các trung tâm kiểm nghiệm thuốc.

Tuy nhiên, trong khi số lượng mặt hàng thuốc được sản xuất và cấp phép lưu hành ngày càng tăng thì hệ thống kiểm nghiệm hiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Có nhiều mặt hàng là những hoạt chất mới, dạng bào chế mới và các thuốc có nguồn gốc sinh học, thuốc được bào chế sản xuất bằng công nghệ cao… mà hệ thống kiểm nghiệm hiện nay chưa đủ trang thiết bị và chất chuẩn để kiểm nghiệm. Còn tại nơi khám chữa bệnh cũng như tại các cửa hàng bán thuốc, thông tin thu hồi, đình chỉ thuốc kém chất lượng lại không được công khai.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước