Với bề dày trầm tích văn hóa mang đậm dấu ấn nhà Trần, vùng
đất Tây Yên Tử còn lưu giữ nhiều di tích có giá trị lịch sử gắn với Thiền phái
Trúc Lâm Yên Tử. Sau 2 năm, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng chính quyền tỉnh
Bắc Giang trùng tu xây dựng chùa Thượng và chùa Hạ ở phía Tây Yên Tử, sẽ mở ra
con đường hành hương mới ở phía Tây Yên Tử trở thành một di tích văn hóa tâm
linh, vãn cảnh cho du khách thập phương.
Nếu Yên Tử là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu tập và nhập
niết bàn thì Tây Yên Tử là con đường ngài chọn để hoằng dương phật pháp. Với diện
tích gần 13.000m2, Tây Yên Tử còn là nơi in đậm dấu ấn của Phật giáo Trúc Lâm.
Điển hình là chùa Vĩnh Nghiêm, trung tâm phật giáo của cả nước.
Bằng nguồn vốn xã hội hóa, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và
UBND tỉnh Bắc Giang đã kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp trên địa bàn đóng
góp, xây dựng, trùng tu chùa Thượng và chùa Hạ phía Tây Yên Tử. Bên cạnh đó,
tỉnh còn tổ chức các buổi hội thảo lấy ý kiến của các GS, TS, nhà nghiên cứu
văn hóa nhằm làm sáng tỏ thêm những giá trị của di sản vùng Tây Yên
Tử, tiến tới tổ chức thành công "Lễ hội Tây Yên Tử".
Hiện, tỉnh Bắc Giang đang gấp rút hoàn thành các hạng mục
đường giao thông, các công trình phụ trợ, để kịp phục vụ cho mùa lễ hội 2017.
Từ đây, du khách sẽ được toại tâm, toại ý khi được hành hương cả Đông và Tây
Yên Tử, trải nghiệm vùng đất linh thiêng
mà Phật Hoàng đã hành hương để truyền bá thiền phái Trúc Lâm - dòng thiền thuần
Việt.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!