​​​​​​​Gặp gỡ đầu Xuân: Các Bộ trưởng gửi thông điệp nhân dịp đầu năm mới

PV (theo Ban Thời sự)-Thứ bảy, ngày 01/02/2020 15:26 GMT+7

VTV.vn - Nhân dịp Xuân Canh Tý 2020, các vị trưởng ngành đã tham gia cuộc phỏng vấn với phóng viên VTV và nêu lên thông điệp của mỗi lĩnh vực nhân dịp đầu năm mới.

PHÓ THỦ TƯỚNG, BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO PHẠM BÌNH MINH: ĐẢM BẢO NHIỆM VỤ KÉP VỚI VAI TRÒ CHỦ TỊCH CỦA ASEAN VÀ ỦY VIÊN KHÔNG THƯỜNG TRỰC CỦA HỘI ĐỒNG BẢO AN LIÊN HỢP QUỐC

​​​​​​​Gặp gỡ đầu Xuân: Các Bộ trưởng gửi thông điệp nhân dịp đầu năm mới - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh (Ảnh: TTXVN)

Xin Phó Thủ tướng cho biết những đánh giá về tình hình thế giới và khu vực trong năm 2019 và dự báo về tình hình năm 2020?

Nhận định chung của chúng ta vẫn nói là tình hình thế giới, khu vực vẫn chiều hướng chung là hòa bình ổn định. Điều đó vẫn đúng nhưng những vấn đề bất ổn tăng lên rất nhiều nhất là ở các khu vực là điểm nóng như khu vực Trung Đông, những vấn đề cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng, chống lại khủng bố, cạnh tranh giữa các nước và đặc biệt là cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tác động đến khu vực chúng ta.

Chắc chắn trong năm 2020, tình hình sẽ tiếp tục khó khăn, nhất là tình hình kinh tế thì dự báo chiều hướng vẫn tiếp tục khó khăn, trong đó vấn đề thương mại toàn cầu sẽ tác động. Cho dù có được giải pháp tạm thời giữa Mỹ và Trung Quốc nhưng vẫn còn đó vấn đề chính sách bảo hộ mậu dịch, những chính sách ảnh hưởng đến vấn đề tự do thương mại.

Xin Phó Thủ tướng chia sẻ những thành tựu đối ngoại nổi bật trong năm 2019 vừa qua và trọng tâm đối ngoại trong năm 2020?

Nhìn lại năm 2019, chúng ta cũng rất vui mừng là hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước chúng ta hết sức thành công và tích cực, nâng tổng số đối tác chiến lược toàn diện của chúng ta lên trên 30 nước. Vấn đề thứ hai, chúng ta nâng tầm quan hệ đa phương của chúng ta thể hiện rất rõ nét. Chúng ta đã triển khai một cách rất bài bản Chỉ thị của Ban Bí thư về nâng tầm đa phương.

Điều này xuất hiện ngay từ đầu năm 2019 khi chúng ta tổ chức sự kiện cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Việt Nam. Đơn thuần không phải là một sự kiện mà nó hàm chứa rằng chúng ta đã vượt ra khỏi những vấn đề trực tiếp liên quan đến lợi ích mà chúng ta sẵn sàng đóng góp vào cái chung. Đó là vấn đề đem lại hòa bình ổn định khu vực bán đảo Triều Tiên.

Trong năm 2020, chúng ta phải đảm nhiệm một lúc 2 chức năng là vai trò của Chủ tịch của Asean và vai trò là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Đó là những công việc trong năm 2020 mà chúng ta triển khai bên cạnh những hoạt động đối ngoại khác của Đảng, Nhà nước trong việc tiếp tục nâng cao vai trò, làm sâu sắc thêm quan hệ với các nước.

Năm nay chúng ta đảm nhận nhiệm vụ kép khi vừa là Chủ tịch ASEAN vừa là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Vậy nhiệm vụ kép này đặt ra những thuận lợi và khó khăn gì? Chúng ta sẽ làm gì để đảm bảo đảm đương hai nhiệm vụ này một cách thành công?

Trở thành thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thể hiện vinh dự nhưng là trách nhiệm của chúng ta cũng như nâng cao vai trò của chúng ta trong việc đóng góp vào những vấn đề lớn trên thế giới.

Tôi vừa chủ trì phiên họp mở của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Một điều rất đáng mừng là các nước tham gia phát biểu rất tích cực. Điều đó cho thấy chúng ta đã đi đúng hướng vào dòng chảy cũng như lợi ích của các nước và tạo được sự quan tâm của các nước đối với chủ đề của chúng ta.

Đồng thời chúng ta lại có một vai trò hết sức quan trọng cùng lúc là Chủ tịch của ASEAN. Chúng ta cũng rất mong muốn gắn kết và chủ động thích ứng, đáp ứng mối quan tâm chung của các nước ASEAN hiện nay là cần tăng cường đoàn kết trong nội khối, tăng cường kết nối để có thể chủ động thích ứng với biến đổi tình hình thế giới, đặc biệt là sự cạnh tranh gay gắt của các nước trong khu vực và những vấn đề kinh tế, vấn đề thương mại đặt ra.

Xin cảm ơn Phó Thủ tướng!

---------------------------

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ MAI TIẾN DŨNG: CHÍNH PHỦ QUYẾT TÂM GIẢM THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

​​​​​​​Gặp gỡ đầu Xuân: Các Bộ trưởng gửi thông điệp nhân dịp đầu năm mới - Ảnh 3.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng (Ảnh: TTXVN)

Thưa Bộ trưởng, 2019 có thể nói là năm chúng ta đã đạt được rất nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội. Là người theo sát lãnh đạo Chính phủ nhất, ông có thể chia sẻ những nỗ lực của Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ trong suốt năm vừa rồi để đạt được kết quả này?

Năm 2019 đã trôi qua, chúng ta đạt được những thành tựu toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, được nhân dân cả nước và cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao, chúng ta đạt được con số tăng trưởng GDP 7,02%, có thấp hơn 2018 chút xíu nhưng mà 2 năm liền chúng ta đạt được trên 7%. Đầu nhiệm kỳ chúng ta có chỉ số vĩ mô là nợ công 64,8% như vậy có thể nói là gần sát với kịch trần, thì đến năm nay nợ công còn 55%, như vậy có thể nói chúng ta rất là mừng. Đạt được những thành tựu quan trọng như vậy, trước hết đây là sự lãnh đạo toàn diện và với sự đoàn kết nhất trí rất cao trong toàn đảng, toàn dân, và cũng thể hiện sự năng động sáng tạo trong tổ chức thực thi. Nói về Chính phủ chúng ta cũng phải nói rằng trong tổ chức thực hiện, là Chính phủ luôn luôn thực hiện rất nghiêm túc các chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước thế và vận hành 1 cách rất linh hoạt, rất sáng tạo, rất chủ động nhưng với tinh thần hết sức quyết liệt.

Bộ trưởng có cho rằng, để đạt được những thành tựu như vậy thì một phần là nhờ Chính phủ luôn đặt quyết tâm cao trong việc cắt giảm các thủ tục hành chính?

Trong thời gian qua đặc biệt liên quan đến vấn đề cắt giảm điều kiện kinh doanh, rồi ngay cả kiểm tra hàng hóa với hàng xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp và người dân đánh giá rất cao. Những cái cải cách như thế là chính là những dư địa cho tăng trưởng, nếu mà chúng ta không làm tốt, và không thực chất thì chúng ta không thể có 1 môi trường mà tăng 10 bậc từ 77 lên 67 trên 140 quốc gia vùng lãnh thổ, như vậy có thể nói đây là 1 con số biết nói rất tốt. vậy thì những cải cách đó của Chính phủ là nó đi vào thực chất hơn, hiệu quả hơn, ngay cả vấn đề tiết kiệm chi phí, tiết kiệm thời gian của doanh nghiệp. Chuyển nhà nước quản lý sang phục vụ và vừa qua ngày 9/12/2019 thì chúng ta đã khai trương Cổng Dịch vụ Công Quốc gia, như vậy có thể nói là cái sự tham gia của người dân doanh nghiệp rất là tốt, nó minh bạch đồng thời nó cũng có gì đó cải cách về tư duy của cán bộ các cấp, các ngành, các địa phương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Chính phủ với địa phương đã nhấn mạnh việc giải phóng năng lực sản xuất trên cơ sở không ngừng đổi mới tư duy xây dựng và thực thi chính sách pháp luật, Bộ trưởng có thể phân tích rõ hơn về quan điểm phát triển này?

Quốc gia nào cũng thế thôi, đều phải quan tâm đến 2 nội dung rất quan trọng, đó là phải xây dựng được hệ thống mềm, thứ 2 nữa là chúng ta phải xây dựng hệ thống phần cứng. Phần mềm là chúng ta rất quan tâm xây dựng thể chế, cơ chế chính sách, thế và chúng ta tạo ra 1 động lực và khả năng mở của nền kinh tế. nhưng đồng thời chúng ta cũng phải quan tâm phần cứng. Phần cứng là gì, đó là những vấn đề liên quan đến hạ tầng về giao thông, cầu cống sân bay, cảng biển, rồi quy hoạch, nguồn nhân lực rồi ngay cả vấn đề quy hoạch không gian, ứng dụng công nghệ thông tin trong thực thi của các cơ quan hành chính Nhà nước thì vừa qua 1 cái chỉ đạo rất đồng bộ, quan tâm cả 2 hệ thống đó là hệ thống phần mềm, đó là xây dựng 1 Chính phủ kiến tạo, Chính phủ thương tôn pháp luật.

Năm 2020 có thể nói là năm cuối của nhiệm kỳ, Chính phủ sẽ có những hành động như thế nào để tiếp tục tiếp nối thành công, hoàn thành trọn vẹn các nhiệm vụ đặt ra trong cả nhiệm kỳ?

Năm 2020, đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước có một lời chúc, lời chúc này nhưng đồng thời cũng là mệnh lệnh của người đứng đầu Đảng, Nhà nước, đó là năm 2020 cả nước ta phải thực hiện thắng lợi toàn diện hơn, tốt hơn so với năm 2019, đây có thể nói là cái bao quát mà Tổng bí thư, Chủ tịch nước trong lời chúc đồng thời cũng thể hiện giao nhiệm vụ cho tất cả các cơ quan trong hệ thống chính trị.

Trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, 1/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị quyết của Chính phủ về triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, trong đó có đề cập 11 nhóm nhiệm vụ và giải pháp, 60 chỉ tiêu cụ thể, và 138 nhiệm vụ cụ thể. đồng thời có nhiều những giải pháp rất căn cơ, trước mắt và lâu dài để thực hiện 12 chỉ tiêu mà Quốc hội giao, đây là việc có thể nói là quyết tâm rất cao của Chính phủ như vậy thì yêu cầu các Bộ ngành địa phương phải xây dựng các kế hoạch thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ, như vậy với cái cách làm tư duy đổi mới của Chính phủ của Thủ tướng thì ngay từ những ngày đầu chuẩn bị sang năm 2020 đã giao Bộ Kế hoạch – đầu tư phối hợp với các cơ quan bộ ngành địa phương để xây dựng 1 Nghị quyết rất cụ thể hóa Nghị quyết của Quốc hội, tôi cho rằng những việc như vậy là sự chủ động rất cao trong quá trình triển khai thực hiện những chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội để mà triển khai vấn đề thực hiện kinh tế - xã hội 2020.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!


---------------------------

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN TÔ LÂM: QUYẾT LIỆT ĐẨY LÙI CÁC LOẠI TỘI PHẠM

​​​​​​​Gặp gỡ đầu Xuân: Các Bộ trưởng gửi thông điệp nhân dịp đầu năm mới - Ảnh 5.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm (Ảnh: TTXVN)

Năm 2019 được đánh giá là năm để lại nhiều dấu ấn quan trọng của lực lượng công an nhân dân. Xin Bộ trưởng cho biết kết quả công tác đảm bảo an ninh an toàn của đất nước trong năm qua?

Kết quả nổi bật trên một số lĩnh vực cụ thể là đã bảo vệ tuyệt đối an ninh an toàn các mục tiêu, các sự kiện chính trị văn hóa đối ngoại của đất nước, đặc biệt là hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2; không để xảy ra khủng bố phá hoại, gây rối an ninh trật tự trong năm qua, trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm bảo vệ an ninh đất nước, bảo vệ cuộc sống bình yên hạnh phúc của nhân dân. Năm 2019 cũng đã có 9 cán bộ chiến sĩ công an đã anh dũng hy sinh và hơn 300 đồng chí mang thương tật trên người.

Năm 2019, ngành công an đã xử lý rất quyết liệt tội phạm tín dụng đen. Nhiều ổ nhóm với quy mô lớn đã được triệt phá. Tuy nhiên, tội phạm tín dụng đen vẫn hoạt động khá phức tạp và biến tướng sang một hình thức khác như là cho vay qua app điện thoại. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về thực trạng này?

Biến tướng của tín dụng đen qua mạng Internet đang diễn ra rất phức tạp. Bọn tội phạm cũng triệt để lợi dụng các trang mạng, các ứng dụng công nghệ cao qua điện thoại, qua tin nhắn quảng cáo, qua mạng xã hội tổ chức các hoạt động tín dụng với mức lãi suất cao thời gian tới.

Bộ Công an cũng kiến nghị với Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng xét xử Điều 201 của Bộ luật hình sự nhằm thống nhất quan điểm xử lý đối với loại tội phạm này. Bộ Công an cũng đang kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số văn bản pháp luật theo hướng tăng mức hình phạt, bổ sung các quy định xử lý hành vi cho vay đòi nợ trái pháp luật.

Trong năm qua, lực lượng công an đã triệt phá nhiều đường dây vận chuyển mua bán ma túy xuyên quốc gia rất lớn. Điều này đặt ra lo ngại là Việt Nam sẽ trở thành địa bàn trung chuyển ma túy trong khu vực. Bộ trưởng có suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?

Ở một số địa phương rất trọng điểm như Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Kon Tum, lực lượng Công an đã phối hợp triệt phá thành công các đường dây sản xuất mua bán, vận chuyển ma túy trái phép rất lớn từ nước ngoài vào Việt Nam. Đây cũng là những kết quả bước đầu của việc tấn công vào các đường dây của những cái tên trùm về ma túy lớn, không phải chỉ là đấu tranh với hệ thống phân phối trong nội địa như trước đây. Một điều rất đáng lo lắng hiện nay là số người nghiện ma túy ở trong nước tiếp tục tăng. Hiện có khoảng hơn 310.000 người nghiện có hồ sơ kiểm soát. Chúng tôi cho rằng con số thực tế có thể còn lớn hơn. Phần lớn những người nghiện đang ở ngoài xã hội.

Thời gian tới, Bộ Công an sẽ đề xuất bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến tội phạm ma túy, trong đó phải coi trọng hình thức cai nghiện bắt buộc tại các cơ sở cai nghiện tập trung, có sự phân công cụ thể giữa các cấp, các ngành, có biện pháp quản lý chặt chẽ người nghiện ngoài xã hội để hạn chế thấp nhất những điều kiện phát sinh tội phạm.

Trước tình hình các tổ chức khủng bố hoạt động ngày càng manh động hơn, thường xuyên lợi dụng các vụ việc nóng hay sự kiện lớn để kích động người dân, năm 2020 là năm Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ VIII của Đảng. Xin Bộ trưởng cho biết những giải pháp để đảm bảo an ninh trật tự cho những sự kiện lớn này?

Ngay từ đầu năm 2019, Bộ Công an cũng đã thành lập tiểu ban an ninh trật tự để chỉ đạo toàn diện các mặt công tác đảm bảo an ninh trật tự phục vụ cho quá trình chuẩn bị tổ chức Đại hội các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng trọng tâm trên một số nội dung chính:

Thứ nhất là phải chủ động nắm chắc, đánh giá dự báo sát tình hình từ xa, từ sớm, kịp thời phát hiện và ngăn chặn mọi âm mưu hoạt động của các thế lực thù địch phản động tội phạm, những phần tử xấu nhằm chống phá đại hội. Đảm bảo cụ thể, chủ động lực lượng phương tiện, sẵn sàng xử lý các tình huống phức tạp về an ninh trật tự có thể xảy ra.

Xin cảm ơn Bộ trưởng và xin chúc lượng công an nhân dân năm 2020 sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ!


---------------------------

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN NGUYỄN XUÂN CƯỜNG: NÔNG DÂN VÀ DOANH NGHIỆP CẦN LIÊN KẾT ĐỂ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, GIÁ TRỊ

​​​​​​​Gặp gỡ đầu Xuân: Các Bộ trưởng gửi thông điệp nhân dịp đầu năm mới - Ảnh 7.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường (Ảnh: TTXVN)

Thưa Bộ trưởng, ngay trong cuộc họp tổng kết cuối năm 2019, Bộ trưởng đã đưa ra nhận định, năm 2020 tiếp tục là một năm đầy khó khăn và thách thức đối với ngành nông nghiệp Việt Nam. Dựa trên những cơ sở nào mà Bộ trưởng đưa ra nhận định như vậy?

Ngay từ những ngày đầu năm, toàn bộ vụ Đông Xuân miền Bắc gặp hạn nghiêm trọng. Đồng bằng sông Cửu Long cũng bị hạn lịch sử, thậm chí còn lớn hơn đợt hạn cuối năm 2015 đầu 2016. Thứ hai nữa là dịch bệnh vẫn tiếp tục. Mặc dù dịch tả lợn châu Phi đã chạm ngưỡng đáy, tuy nhiên nguy cơ rủi ro tái xuất hiện khi chúng ta phát triển tái đàn mà không khống chế được an toàn sinh học.

Vấn đề thứ ba là thách thức lớn về thị trường. Chiến tranh thương mại tiếp tục và đặt ra những vấn đề hệ lụy rất lớn. Một là sự bất bình đẳng các ngành hàng trong thương mại. Điểm thứ hai là xu hướng các nước dựng lên hàng rào phi thuế quan để quay trở lại bảo hộ mậu dịch, bảo hộ thị trường.

Mặc dù trong bối cảnh khó khăn như vậy, nhưng ngành nông nghiệp vẫn quyết định đặt ra mục tiêu là bên cạnh giữ ổn định thị trường trong nước thì chúng ta vẫn hướng đến đạt kim ngạch xuất khẩu là trên 42 tỷ USD. Dư địa nào để cho Bộ trưởng khẳng định là chúng ta có thể thực hiện được điều này?

Chúng ta vẫn đặt mục tiêu năm 2020 là xuất khẩu đạt 42 tỷ USD trở lên. Bởi vì chúng ta có niềm tin.

Thứ nhất là quá trình tái cơ cấu nông nghiệp của chúng ta những năm vừa qua đã có được những thành quả bước đầu trên tất cả các trụ cột nông sản, kể cả nhóm 10 sản phẩm quốc gia có quy mô giá trị xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên. Thứ hai, nhóm nông sản quy mô cấp tỉnh cũng có được những mặt hàng của tất cả các tỉnh rất tốt và đặc biệt là nhóm thứ ba cho đến nay đã có tới gần 2.000 sản phẩm đăng ký. Như vậy cho thấy rằng tái cơ cấu chúng ta đã có được những kết quả nền tảng bước đầu đó.

Điểm thứ hai là trong năm 2019 vừa qua, chúng ta đã tập trung tháo gỡ những nét căn bản then chốt về vấn đề thị trường. Thứ nhất là thị trường Trung Quốc sau khi các bạn thay đổi hướng là phương thức nhập khẩu nông sản từ tiểu ngạch hành chính. Chúng ta năm vừa qua đã xoay trục thích ứng được với cả phương thức, kể cả tổ chức sản xuất, kể cả các doanh nghiệp làm quen với hình thức này. Chúng ta cũng đã tổ chức phát triển một số thị trường mới. Ví dụ như thị trường ASEAN thì chúng ta quay đầu tập trung. Khối lượng gạo xuất khẩu tăng hơn so với năm 2018. Ở một số thị trường mới nổi, chúng ta cũng đã đặt chân vào được.

Thứ ba nữa là kinh nghiệm xử lý tình huống trong năm 2019 là bài học rất tốt về thách thức biến đổi khí hậu về yếu tố cực đoan thời tiết. Đây sẽ là những bài học tốt để chúng ta quyết tâm năm 2020 phấn đấu đạt giá trị xuất khẩu cao hơn năm 2019.

Một điểm nhấn trong năm 2019 là lượng doanh nghiệp đầu tư và tập trung sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp đã tăng lên tới 25% so với năm trước, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản. Bộ trưởng đánh giá như thế thế nào về xu hướng này? Liệu đó có phải là một xu hướng trong tương lai?

Sức sản xuất nông nghiệp của chúng ta rất tốt nhưng khâu chế biến đang là khâu yếu nhất. Vì vậy, các doanh nghiệp tập trung vào hướng này sẽ tạo điều kiện tháo gỡ nút thắt để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Chính thông qua chế biến, tỷ giá trị nông sản được tăng rất nhiều.

Lấy ví dụ như ngành hàng cà phê của chúng ta 1 năm là chúng ta xuất khẩu tới 3,4 tỷ đi về hạt cà phê. Tuy nhiên, trong đó thì chỉ có 10% là chế biến sâu nhưng riêng 10% này thì giá trị đã tăng gấp đôi so với xuất khẩu thô.

Bộ Nông nghiệp cùng các địa phương sẽ phối hợp chặt chẽ, làm sao khuyến khích các doanh nghiệp chúng ta động viên các ngành hàng để làm sao khai thác tốt nhất những cơ hội đầu tư vào lĩnh vực chế biến.

Thưa Bộ trưởng, hiện nay thị trường nhập khẩu còn dựng lên những hàng rào gọi là hàng rào phi thuế quan về tiêu chuẩn, về kỹ thuật, về truy xuất nguồn gốc. Vậy bên cạnh các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp chế biến sâu thì chúng ta cần có những chính sách gì thúc đẩy bà con nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế để có thể đưa hàng nông sản Việt Nam đi xa hơn và đi sâu hơn vào thị trường thế giới?

Chúng ta phải bắt tay tập trung động viên, bà con nông dân chúng ta làm sao hình thành được sự liên kết về tổ chức sản xuất thông qua việc hình thành hợp tác xã kiểu mới của bà con nông dân hợp tác xã kiểu mới phải liên kết với các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa. Các doanh nghiệp phải liên kết với nhau để hình thành những tụ điểm những cục diện lớn để có thể sản xuất làm sao hình thành các vùng hàng hóa tập trung quy mô lớn có giá thành cạnh tranh, có chất lượng đảm bảo tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm về truy xuất nguồn gốc, đặc biệt về quy chuẩn của hàng hóa đối với từng nhóm thị trường. Có như vậy nông sản Việt Nam chúng ta sẽ tiếp tục phát triển.

Xin cảm ơn Bộ trưởng. Chúc Bộ trưởng 1 năm mới dồi dào, sức khỏe để đồng hành cùng với nông nghiệp Việt Nam!

 

---------------------------

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG TRẦN TUẤN ANH: TIẾP TỤC THỰC HIỆN THÀNH CÔNG CHIẾN LƯỢC XUẤT NHẬP KHẨU BỀN VỮNG

​​​​​​​Gặp gỡ đầu Xuân: Các Bộ trưởng gửi thông điệp nhân dịp đầu năm mới - Ảnh 9.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh (Ảnh: TTXVN)

Thưa Bộ trưởng, năm 2020 làm thế nào để chúng ta tiếp tục có những chính sách duy trì được đà tăng trưởng về xuất khẩu rực rỡ như năm 2019?

Thủ tướng cũng đề ra mục tiêu là phải phấn đấu để đạt kim ngạch xuất khẩu 300 tỷ USD. Một con số rất tham vọng nhưng đồng thời nó cũng đặt ra cho chúng ta rất nhiều việc phải nghĩ cho tổ chức việc khai thác những cơ hội của thị trường và để ứng phó có hiệu quả với những biến động và những bất ổn của thị trường thế giới. Trước hết, đối với xuất nhập khẩu thì phải coi nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên là thực hiện thành công chiến lược xuất nhập khẩu bền vững vì đây là năm cuối nhiệm kỳ. Chúng ta sẽ tiếp tục phát triển bền vững các thị trường quốc tế và từ đó tạo ra những lợi ích đan xen để từ đó giúp cho Việt Nam có thể bảo vệ và lợi ích của mình một cách có hiệu quả về không chỉ thương mại kinh tế mà cả về các vấn đề chính trị quốc tế và cuối cùng là sự lớn mạnh và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp của chúng ta bước ra biển lớn, tham gia cuộc chơi chung của toàn cầu để chúng ta có được những vị thế và chỗ đứng vững chắc trong nền kinh tế và thương mại toàn cầu.

Tôi thấy nổi lên trong năm 2019 là hiện tượng gian lận xuất xứ và thậm chí việc này xảy ra với rất nhiều các doanh nghiệp lớn. Vậy thì làm thế nào trong năm mới 2020 này, ngành công thương cũng như Bộ trưởng có những quyết sách để có thể tiếp tục giải quyết được vấn đề này để chúng ta thực hiện tốt các cam kết FDI?

Trên thực tế là 2019 đã chứng kiến những câu chuyện chiến tranh thương mại Mỹ Trung nên khi mà những sản phẩm hàng hóa của Trung Quốc bị áp thuế rất nặng và không phải chỉ sản phẩm của Trung Quốc mà rất nhiều sản phẩm hàng hóa như thép của Đài Loan của Hàn Quốc hay là ô tô của châu Âu hay một số sản phẩm khác đều chịu thuế quan áp đặt mới của Mỹ tăng lên rất nhiều. Chính vì vậy, việc của chúng ta ở đây không phải chỉ là đấu tranh chống gian lận trong tự chứng nhận xuất xứ và giả mạo xuất xứ mà còn phải kiểm soát tốt khâu truyền tải đầu tư để tránh nguy cơ là sản phẩm hàng hóa sản xuất tại Việt Nam nhưng do tải đầu tư này mà cũng phải chịu thuế quan. Bộ Công Thương đã rất chủ động báo cáo của Chính phủ và Thủ tướng đã phê duyệt Đề án cho Bộ Công thương trình bày báo cáo và xây dựng đề án 824 về đấu tranh chống gian lận xuất xứ và gian lận thương mại và thậm chí thành lập Ban chỉ đạo của Chính phủ để chúng ta triển khai quyết liệt, phải có sự vào cuộc của cả hệ thống. Bộ Công Thương cũng đã thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng xây dựng một nghị quyết của Chính phủ để chúng ta xây dựng cụ thể hóa hơn nữa những nhiệm vụ căn cứ theo chức năng và yêu cầu của mỗi bộ, ngành trong thực thi chính sách.

Thứ ba là tiếp tục hỗ trợ và tăng cường hợp tác quốc tế với các quốc gia đối tác để chúng ta phối hợp tổ chức không chỉ giữa các cơ quan hải quan với nhau mà cả các cơ quan xây dựng chính sách để đảm bảo những cơ chế hợp tác liên quốc gia và cũng như trong các khuôn khổ hội nhập để đảm bảo hiệu quả trong ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại và gian lận xuất xứ. Cuối cùng là năng lực thể chế trong điều hành và nhất là trong xử lý các tranh chấp thương mại.

Trong năm 2019, Bộ Công Thương là một trong hai bộ có số lượng điều kiện kinh doanh cắt giảm nhiều nhất nhưng có nhiều doanh nghiệp vẫn băn khoăn là họ cần sự cắt giảm thực chất hơn. Vậy Bộ trưởng chia sẻ như thế nào về suy nghĩ của những doanh nghiệp này?

Chúng tôi luôn luôn suy nghĩ về điều này ngay từ khi thực thi các cải cách của mình. Chúng tôi đang xây dựng chương trình cải cách của năm 2020 với những nội dung rất nhạy cảm, trong đó có những nội dung mới về khảo sát, đánh giá và kiểm tra về sự hài lòng và chất lượng, tính chất của các cải cách của chúng tôi để tránh hiện tượng như báo chí và dư luận xã hội cũng đã phản ánh là các cơ quan quản lý nhà nước của chúng ta đã chạy theo số lượng và không đi vào thực chất, đặc biệt trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật mới cũng như các chiến lược. Chúng tôi thực hiện nghiêm chỉ đạo và sẽ có cơ chế để giám sát và tổ chức thực hiện để tránh xảy ra việc đưa thêm những thủ tục mới thông qua các văn bản quy phạm pháp luật và các điều kiện cấp giấy phép con mới. Tinh thần để tiếp tục cởi trói và giải phóng các nguồn lực của xã hội của doanh nghiệp của người dân đã tạo nên những động lực mới cho phát triển của đất nước.

Xin cảm ơn Bộ trưởng và xin kính chúc Bộ trưởng và ngành công thương tiếp tục vượt khó một thành công trong năm 2020 và đóng góp nhiều hơn cho sự tăng trưởng của nền kinh tế đất nước.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước