Báo cáo mới đây của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho thấy mỗi năm nhu cầu điện cho cả nước tăng trung bình khoảng 10%. Để đáp ứng nhu cầu, ngành điện cho biết cần phải có thêm vốn dành cho sản xuất điện.
Nhà máy Nhiệt điện An Khánh (Thái Nguyên) có mức đầu tư hơn 4.600 tỷ đồng. Sau 4 năm chính thức vận hành, mỗi năm nhà máy này cung cấp cho thị trường khoảng 800 triệu kWh điện thương phẩm, đạt doanh thu 1.300 tỷ đồng. Tuy nhiên theo đại diện nhà đầu tư, do chi phí các nguyên liệu đầu vào trong 2 năm qua đã tăng khoảng 20% nên hoạt động của nhà máy không hiệu quả.
Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, hiện các doanh nghiệp thuộc tập đoàn chỉ có thể cung cấp được 60% nhu cầu điện của cả nước. Do chi phí đầu vào sản xuất, phân phối đều tăng mạnh, không chỉ các nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh điện thua lỗ, mà tổng chi phí sản xuất điện của ngành đã phụ trội hơn 20.000 tỷ đồng trong 2 năm qua.
Ngoài chi phí đầu vào tăng, các nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh điện còn chịu thêm áp lực về sự chênh lệch tỷ giá và áp lực về khoản chênh lệch giữa giá bán điện tạm tính, giá bán điện chính thức khi nhà máy phát điện. Do vậy, việc điều chỉnh giá điện theo cơ cấu thị trường được cho là phù hợp với tình hình hiện nay.
Theo quy hoạch của ngành điện, để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trong các năm tới, cả nước cần tới 60.000MW vào năm 2020, năm 2025 cần 96.500MW và đến năm 2030 là 129.500MW. Trong khi đó, giá điện hiện nay không thể hấp dẫn các nhà đầu tư. Việc điều chỉnh giá theo thị trường sẽ là một giải pháp cụ thể để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này, nhằm đáp ứng yêu cầu về an ninh năng lượng cho nền kinh tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!