Đợt tăng giá điện gần nhất là từ đầu năm 2018. Trong cả năm vừa qua, giá điện đã được cân nhắc co kéo các nguồn khác nhau để giữ nguyên giá. Tuy nhiên, điều này khó có thể tiếp tục khi mức tiêu thụ điện tăng 10% nhưng dự kiến năm 2019 sẽ là năm khô hạn, thủy điện giảm gần 4 tỷ Kwh. Ngay từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ngành điện bằng mọi giá không được để thiếu điện. Để đáp ứng nhu cầu sẽ cần phải huy động một lượng lớn các nguồn điện khí, nhiệt điện là những nguồn điện giá cao hơn thủy điện.
Nhà máy nhiệt điện thiếu than phải chạy cầm chừng là câu chuyện xảy ra cách đây chưa lâu. Để đảm bảo nguồn than cấp cho nhiệt điện, than đã được phép tăng giá bình quân 5% từ đầu năm nay. Thuế bảo vệ môi trường đối với than và xăng dầu cũng tăng khiến tổng cộng chi phí sản xuất nhiệt điện than, dầu tăng gần 6.000 tỷ đồng. Đầu vào đã được điều chỉnh theo thị trường khiến giá điện khó có thể kiềm giữ hơn nữa.
Tổng chi phí sản xuất điện đã bị "đội" lên năm 2018 và 2019 gần 21.000 tỷ đồng. Năm ngoái ở mức 5.400 tỷ đồng. Trong khi đó, năm nay ước tính tăng gấp 3 lần lên mức hơn 15.200 tỷ đồng bao gồm khoản chênh lệch tỷ giá, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và giá khí bao tiêu theo thị trường.
Với đợt điều chỉnh sắp tới, giá điện Việt Nam xấp xỉ với giá điện một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ năm 2018, nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực Đông Nam Á như Lào 12%, Indonesia 28%. Phương án tăng giá điện đã được tính toán để đảm bảo giảm bớt áp lực cho ngành năng lượng - xương sống của nền kinh tế, đồng thời hướng tới tính thị trường cho mặt hàng quan trọng bậc nhất cho phát triển kinh tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!