Hà Nội đang trở thành một trong những đô thị đứng đầu cả nước về ô nhiễm không khí. Nồng độ bụi đã vượt ngưỡng cho phép từ 2-3 lần trên nhiều trục đường giao thông. Khí thải xe cơ giới cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này. Đây là những thông tin đáng lo ngại trong báo cáo môi trường quốc gia năm 2016 chủ đề "Môi trường đô thị" vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố.
Thống kê cho thấy, có đến 70% lượng khói bụi gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội là do hoạt động giao thông. Với hơn 4 triệu phương tiện giao thông, hoạt động giao thông chiếm tới 85% lượng khí thải CO2 và 95% lượng các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi mà mắt thường không nhìn thấy được.
Mặt khác, quá trình xây dựng, các cơ sở sản xuất công nghiệp, hoạt động đun nấu, quá trình xử lý rác thải và các nguồn ô nhiễm từ ngoại thành chuyển vào cũng là một trong những áp lực phát sinh khí thải gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội.
Số liệu từ báo cáo môi trường quốc gia cũng cho thấy, các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí có xu hướng tăng cao như hen, suyễn, nhiễm khuẩn đường hô hấp, lao, viêm phổi. Ô nhiễm môi trường không khí gây ra nhiều bệnh tật, kéo theo đó là nhiều thiệt hại về kinh tế do phải chi trả chi phí khám chữa bệnh.
Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng ô nhiễm không khí ở các đô thị tại Việt Nam, trong đó có Hà Nội ngày càng gia tăng là do bụi từ các công trình xây dựng hoặc các hoạt động vận chuyển khiến vật liệu xây dựng rơi vãi trên đường. Thực trạng này đã và đang diễn ra ở nhiều quận huyện. Người dân bức xúc, chính quyền địa phương cũng đã kiến nghị nhiều lần lên các cấp có thẩm quyền, nhưng tình trạng này vẫn đang diễn biến phức tạp.
Rõ ràng, ô nhiễm không khí đang ngày càng đáng báo động và theo các chuyên gia, Việt Nam nằm trong top 11 quốc gia ô nhiễm bụi nghiêm trọng nhất thế giới, nhưng đáng báo động hơn là vẫn chưa có một giải pháp căn cơ, kiên quyết để xử lý vấn đề này.
Dù các quy định về xử phạt các hành vi làm ô nhiễm môi trường, trong đó có môi trường không khí đã được nêu rõ trong Luật Bảo vệ môi trường, có hiệu lực năm 2014, nhưng một số quy định lại chưa được cụ thể hóa. Theo đánh giá, hiện trạng mạng lưới quan trắc ô nhiễm môi trường không khí vẫn còn thiếu và mỏng cũng là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến hiệu quả phát hiện ô nhiễm môi trường không khí.
Theo khuyến nghị từ báo cáo môi trường quốc gia, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí ở các đô thị, cần tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng tại các đô thị trong việc ngăn ngừa, kiểm soát, xử lý, giảm phát sinh các nguồn gây ô nhiễm không khí. Các Bộ, ngành chức năng, các đô thị cũng cần hoàn chỉnh hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường không khí; giảm nguồn phát sinh, phát tán bụi, đầu tư hệ thống quan trắc môi trường không khí, nhằm kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!