Tại hội thảo, nhiều đại biểu khuyến nghị cần xây dựng chính sách dân tộc trên nguyên tắc bình đẳng cùng phát triển, trong đó bảo đảm sự tham gia của phụ nữ dân tộc thiểu số trong xây dựng và thực hiện chính sách thúc đẩy bình đẳng giới.
Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương tham dự hội thảo.
Các đại biểu cho rằng, vẫn còn nhiều rào cản để phụ nữ vùng dân tộc thiểu số tiếp cận các chính sách. 49 dân tộc có tỷ lệ đi học dưới 50%. Tỷ lệ biết đọc biết viết tiếng phổ thông còn thấp. 6/53 dân tộc có tỷ lệ tảo hôn 50%. Phụ nữ dân tộc thiểu số làm công việc chuyên môn kỹ thuật rất thấp chỉ khoảng 6%.
Mặc dù Đảng, Nhà nước có nhiều chính sách pháp luật hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số, hiện có tới 118 chương trình chính sách ưu tiên dành cho vùng này, tuy nhiên để phụ nữ dân tộc thiểu số không bị bỏ lại phía sau, các đại biểu cũng đưa ra nhiều khuyến nghị sửa đổi những bất cập của chính sách theo hướng ngày một bảo đảm hơn bình đẳng về giới đối với phụ nữ dân tộc thiểu số.
Phát biểu tại Hội thảo, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh, qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 24 của Đảng về công tác dân tộc, nhiều kết quả đã được ghi nhận, nhiều chính sách pháp luật được thực thi và đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, đồng chí Trương Thị Mai cho rằng, để chính sách trở thành chiến lược bao quát toàn diện, các chính sách cần khuyến khích phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia một cách chủ động, được học tập, hòa nhập và vươn lên; đồng thời cần phải phân định chính sách có phạm vi, ưu tiên vấn đề nào, có cơ chế điều phối và có kiểm tra giám sát, qua đó mới phát huy hiệu quả các chính sách cho các vùng dân tộc thiểu số.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!