Giải phóng Trường Sa - Kỳ tích của quân đội Việt Nam

Lan Hương - Đặng Tú-Thứ hai, ngày 29/04/2013 12:01 GMT+7

 Ngày 29/4/1975, quần đảo Trường Sa, Việt Nam đã hoàn toàn giải phóng, 1 ngày trước khi giang sơn được nối liền một mối. Cuộc chiến đấu thần tốc đầy dũng cảm của đội quân “Yết Kiêu thời đại Hồ Chí Minh” đã càng tô thêm trang sử hào hùng của quân đội Việt Nam. Gần 40 năm trôi qua, Trường Sa vẫn đang hiên ngang, vượt qua bão táp phong ba nơi địa đầu biển đảo Tổ quốc.

Bắt đầu từ ngày 11/4/1975, hơn 200 chiến sĩ đặc công trên 3 tàu không số đã tiến ra biển… Trên đường hành quân, địch theo dõi rất sát nên các tàu phải giả làm thuyền đánh cá, đi theo đội hình không xác định. Vượt sóng, đè gió, sau ba ngày hành quân, lực lượng đã áp sát và giải phóng đảo Song Tử Tây, mở đầu mốc lịch sử quan trọng - Giải phóng quần đảo Trường Sa.

Đã có nhiều chiến sỹ phải gửi thân mình nơi biển cả cho cuộc chiến đấu giải phóng quần đảo Trường Sa… nhưng chính họ đã viết lên những trang sử hào hùng cho quân đội nhân dân Việt Nam và dựng xây tấm gương để lớp lớp các thế hệ đi sau noi theo, tiếp bước khẳng định dấu mốc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc Việt Nam.

Thượng tá Phạm Quang Trung, Chính trị viên đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa chia sẻ: “Chúng tôi luôn khắc phục khó khăn gian khổ, với quyết tâm cao nhất giữ vững chủ quyền biển đảo vì còn người là còn đảo, còn chủ quyền biển đảo Tổ quốc”.

‘ Ảnh khai thác

Trường Sa, sau gần 40 năm giải phóng đang từng ngày thay da đổi thịt… Giờ trên đảo không còn lo thiếu điện, nước, trẻ em đã được đi học, người dân không những được ở những nơi khang trang hơn mà còn được hỗ trợ cho công việc, tình quân dân ngày càng thắm thiết.

Ông Phạm Văn Liễn, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Được sự quan tâm của các cấp, chúng tôi đã đầu tư ngư cục cho bà con, đồng thời, đảm bảo an toàn cho họ khi ra khơi. Khi trở về, chúng tôi giúp họ bán lại sản phẩm cho bộ đội”.

Trường Sa, đứa con nơi địa đầu biển đảo của Tổ quốc Việt Nam dẫu còn nhiều khó khăn vất vả nhưng ngày ngày, những người dân đất Việt vẫn hướng về Trường Sa bằng nhiều việc làm thiết thực như “Góp đá xây dựng Trường Sa”, “Tất cả vì Trường Sa”, “Phong trào biển đảo quê hương”… Trường Sa tuy xa nhưng đã gần lại hơn với đất liền Tổ quốc.

Ông Trương Minh Tuấn, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu: “Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước. Với trách nhiệm của mình, chúng tôi sẽ chỉ đạo các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền về biển đảo để mỗi người dân hiểu hơn về chủ quyền biển đảo Tổ quốc”.

Trường Sa bây giờ không còn xa khi nước nhà đã thống nhất và đó vẫn là dải đất luôn phải đương đầu với nhiều khó khăn. Nhưng chính mảnh đất địa đầu biển đảo này vẫn tiếp tục ghi danh những chiến công thầm lặng của Quân đội nhân dân Việt Nam và vun đúc tình cảm thắm đượm quân dân - Tất cả vì biển đảo quê hương theo ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp. Ta phải biết giữ gìn lấy nó”.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước