Hơn 28.000 trường hợp kê khai là người có công chưa được hưởng chính sách trên cả nước. Trong đó, có người tự kê khai, có trường hợp mới cung cấp hồ sơ, hoặc người khác làm chứng đến kê khai hộ... Việc xác minh những hồ sơ tồn đọng này thực sự là hành trình khó khăn và phức tạp, trong khi hàng chục nghìn gia đình đang chờ đợi một câu trả lời cuối cùng về người thân của họ.
Trong bia ghi danh tại nghĩa trang liệt sĩ của thị xã Phú Thọ và cả trong lịch sử đảng bộ địa phương đều ghi danh liệt sĩ Hoàng Văn Tín hy sinh năm 1949.
Hàng năm, chính quyền xã vẫn tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho gia đình, nhưng thân nhân của người đã khuất chưa được trao bằng Tổ quốc ghi công.
Tiếp tục công việc của cha mẹ giao, 10 năm qua, vợ chồng bà Nguyễn Thu Hiền đã đến nhiều cơ quan để xin xác minh cho cậu ruột của mình nhưng căn cứ quan trọng nhất là giấy báo tử đã mất từ cách đây 60 năm.
Sau nhiều năm chờ đợi, người cha đã mất của bà Nhâm đã được công nhận là liệt sĩ. Trước đó, gần 70 tuổi, bà Nhâm không ngại vất vả, mưa nắng từ xã lên huyện, lên tỉnh chỉ với một mong muốn là cống hiến của người cha được xác nhận.
Trong cuộc họp chi bộ năm 1952, 5 người hy sinh vì pháo kích, 4 người đã được công nhận là liệt sĩ, còn ông Bùi Đình Thấu là người còn lại chưa được công nhận.
Để xác nhận hồ sơ này, Sở LĐTB&XH Thái Bình phải cử riêng một cán bộ tìm hiểu kỹ về lịch sử, nhân vật, tổ chức chính quyền, Đảng vào thời điểm cách đây 65 năm, từ đó tìm được các đồng đội của liệt sĩ để lấy thông tin và xác nhận.
Mỗi hồ sơ tồn đọng là một thách thức, thậm chí rất khó áp dụng quy định hiện hành để giải quyết. Bộ LĐTB&XH đang áp dụng một quy trình xử lý có tính chất cụ thể với từng hồ sơ bởi nhiều thân nhân liệt sĩ tuổi đã cao, sức yếu không thể đi lại lo thủ tục được và không còn nhiều thời gian để chờ đợi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!