Năm học 2015 – 2016 bắt đầu cũng là lúc Nghị định 49/2010/NĐ-CP và Nghị định 74/2013/NĐ-CP quy định về việc miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí cho nhiều đối tượng học sinh, sinh viên hết hiệu lực thi hành. Từ nhiều năm nay, chính sách hỗ trợ này được coi là phao cứu sinh cho học trò vùng cao, vùng dân tộc đồng bào thiểu số đặc biệt khó khăn. Do vậy, trong năm học mới, khi chính sách hỗ trợ hết hiệu lực thì đồng nghĩa với việc hàng triệu học sinh nghèo phải thấp thỏm với nỗi lo học phí và thiếu đồ dùng học tập.
Là một trong những địa phương có nhiều học sinh nghèo, khi Nghị định 49/2010/NĐ-CP và Nghị định 74/2013/NĐ-CP hết hiệu lực, không chỉ các học sinh, giáo viên mà đến cả lãnh đạo huyện Bắc Hà, Lào Cai cũng gặp không ít khó khăn.
Cô Nguyễn Thị Vân – Giáo viên trường Tiểu học Thải Giàng Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai chia sẻ: “Nếu Nhà nước cắt trợ cấp học phí cho các em thì chúng tôi cũng rất lo lắng vì nhà không có điều kiện, phụ huynh cũng sẽ không cho các em đi học nữa”.
Trong khi đó, Phó Trưởng phòng giáo dục huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai - ông Lê Chính Luận cũng cho biết: “Mặc dù có đề xuất nhưng nếu không có kinh phí thay thế thì nguồn hỗ trợ cho các em sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì đây là một huyện nghèo. Trước mặt, huyện đã áp dụng việc kêu gọi các em học khóa trước ủng hộ sách giáo khoa cho các em trong năm nay nhưng đó không phải là biện pháp lâu dài”.
Trước việc không còn miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập khi Nghị định 49 và Nghị định 74 hết hiệu lực, UBND tỉnh Lào Cài đã có công văn 3621/UBNDTM gửi Sở Giáo dục và các huyện, thành phố về việc chưa thu học phí với bậc giáo dục mầm non và phổ thông công lập năm 2015 – 2016, để giảm bớt khó khăn cho các hộ nghèo.
Ông Đặng Xuân Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai phân tích: “Về mặt lâu dài, lãnh đạo tỉnh đã cùng với Sở Giáo dục, Sở Tài chính và các ban ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất chính sách riêng của tỉnh Lào Cai đối với việc miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho các cháu dựa trên khả năng ngân sách của tỉnh. Song song với đó, tỉnh Lào Cai đã có văn bản báo cáo Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo về khó khăn này".
“Tuy nhiên, thiết nghĩ để tránh những khó khăn trong lúc giao thời, đặc biệt ở những tỉnh có nhiều cháu thuộc diện hộ nghèo thì khi chuẩn bị kết thúc một chính sách nào đó, chúng ta phải có bước chuẩn bị trước hàng năm trời, để nghiên cứu, bổ sung ngay khi chính sách cũ hết hiệu lực. Nếu trong trường hợp trung ương không có chính sách mới thay thế thì có thể chỉ đạo các địa phương chủ động nghiên cứu về vấn đề này thì sẽ giải quyết khó khăn cho các cháu trong lúc giao thời”, ông Đặng Xuân Phong nói thêm.
Ông Bùi Hồng Quang – Phó Vụ Trưởng Vụ kế hoạch - tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo
Trả lời vấn đề này của tỉnh Lào Cai nói riêng và nhiều địa phương khác nói chung, ông Bùi Hồng Quang – Phó Vụ Trưởng Vụ kế hoạch - tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhận định việc xây dựng Nghị định mới diễn ra hơi chậm.
"Việc xây dựng Nghị định mới lẽ ra nên làm từ trước. Tuy nhiên, để xây dựng một Nghị định có tính nhạy cảm, liên quan nhiều tới khả năng chi trả của học sinh, gia đình người học nên cần tính toán và cân nhắc kỹ việc thực hiện chính sách mới. Chính phủ phải lấy ý kiến của các thành viên. Sau khi có sự đồng thuận, khi đó Chính phủ mới có quyết định ban hành”.
Bên cạnh đó, ông Bùi Hồng Quang cũng khẳng định, do Nghị định 49 và Nghị định 74 đã hết hiệu lực từ năm 2014 – 2015 nên Bộ GD & ĐT đã có có văn bản mới thay thế, trình Chính phủ phê duyệt từ tháng 5/2015. Về nội dung của dự thảo mới thay thế trình Chính phủ, mọi chế độ hỗ trợ vẫn thực hiện như cũ. Một số khoản hỗ trợ được kiến nghị tăng thêm.
"Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định mới và chắc một vài ngày tới sẽ phát hành. Trên cơ sở Nghị định này, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xây dựng Thông tư hướng dẫn chi tiết một số điều của Nghị định mới và địa phương có thể thực hiện cơ chế miễn, giảm cũng như mức thu học phí mới ngay đầu năm học 2015 – 2016", ông Bùi Hồng Quang nói.
Như vậy, với câu trả lời từ phía Bộ GD & ĐT, trong thời gian tới, khi các chính sách hỗ trợ vẫn được tiếp tục hy vọng các thầy, trò vùng cao sẽ tiếp tục vững tâm trên hành trình đi tìm con chữ.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.