Theo Tổ chức lao động Quốc tế (ILO), khoảng 1,6 tỷ người bị mất việc làm do đại địch COVID-19. Không có việc làm cũng kéo theo những vấn đề, nguy cơ về bất ổn xã hội. Chính vì vậy, tất cả các quốc gia đều đang phải nỗ lực đảm bảo an ninh việc làm thông qua nhiều kênh hỗ trợ.
Trung Quốc thông qua gói trợ cấp tổng trị giá khoảng hơn 38 tỷ USD chỉ để giãn thuế phí, đặc biệt là tiền phí đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho các công ty, doanh nghiệp trong nước. Nước này còn có chương trình hỗ trợ phương tiện đi lại cho khoảng 6 triệu lao động nhập cư quay trở lại làm việc.
Bộ trưởng Tài chính Anh khẳng định chính phủ sẽ hỗ trợ những người sử dụng lao động, với hy vọng rằng họ cũng ủng hộ chính các lao động của mình. Chính phủ Anh tạm hoãn thuế VAT cho toàn bộ doanh nghiệp trong quý III tới, tương đương với việc bơm 30 tỷ bảng Anh, giúp các doanh nghiệp tồn tại, từ đó giúp người lao động không mất việc. Trong tổng số 33 triệu người lao động Anh, 1,5 triệu người có nguy cơ mất việc vì dịch COVID-19. Tuy nhiên các biện pháp hỗ trợ của chính phủ đảm bảo giảm con số này chỉ còn một nửa.
Lao động tay nghề thấp là đối tượng gần như không được đảm bảo công việc trong và sau dịch. Chính phủ Indonesia đã có chương trình đào tạo miễn phí, dành cho các lao động bị mất việc. Ước tính khoảng 1,4 triệu người được hưởng lợi. Những người tham gia chương trình sẽ được tham gia các khóa nâng cao năng lực, hướng nghiệp và tham gia các hội chợ việc làm. Tổng cộng có tới 900 khóa đào tạo, từ tiếng Anh, cho tới kế toán, hướng dẫn viên du lịch.
Còn tại Việt Nam, theo điều tra của Tổng cục Thống kê, đến giữa tháng 4 vừa qua, đã có gần 5 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Kết quả điều tra cũng cho thấy gần 67% doanh nghiệp đã thực hiện ít nhất một trong 4 giải pháp là cắt giảm lao động; giãn việc/nghỉ luân phiên; nghỉ việc không lương, giảm lương người lao động.
"Chiến đấu và vượt qua đại dịch là ưu tiên cao nhất, trong đó cố gắng hết sức để bảo vệ người lao động là ưu tiên hàng đầu" là tuyên bố của Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Bộ Lao động và Việc làm đặc biệt G20 với sự tham gia của Việt Nam. Để thực hiện được mục tiêu này, chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ tín dụng, tài chính, tạm hoãn đóng bảo hiểm xã hội... cho các doanh nghiệp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!