Gỡ khó cho Nhiệt điện Thái Bình 2

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 23/07/2019 20:03 GMT+7

VTV.vn - Đại diện Tập đoàn Dầu khí khẳng định việc đưa thêm vốn vào dự án sẽ không làm tăng tổng mức đầu tư mà giúp đẩy nhanh tiến độ dự án.

Mỗi ngày, chỉ riêng tiền lãi vay của dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đã lên tới 6 tỷ đồng. Đây là con số được vừa đưa ra trong cuộc làm việc của Bộ Công Thương với Ủy ban quản lý vốn nhà nước và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam trong sáng nay (23/7). Cuộc làm việc bàn về các giải pháp tháo gỡ vướng mắc để sớm đưa dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đi vào hoạt động.

Dự án nhiệt điện Thái Bình 2 là một trong những dự án án đặc biệt quan trọng. Bởi theo thiết kế, mỗi năm dự án này sẽ cung cấp khoảng 7 tỷ kw giờ điện vào hệ thống điện quốc gia. Thế nhưng do những sai phạm của chủ đầu tư là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và nhà thầu thi công là Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC) nên chưa thể đi vào hoạt động. Đây cũng là lý do khiến cho nhà nước đứng trước nguy cơ mất khoảng 35.000 tỷ đồng mỗi năm nếu phải chạy dầu để bù đắp.

Hiện dự án nhà máy điện Thái Bình 2 đã thi công được hơn 84% khối lượng, giải ngân được 60% trong tổng mức đầu tư 42.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi phát hiện sai phạm của tổng thầu là Công ty xây lắp dầu khí, ngân hàng đã ngừng cung cấp vốn cho dự án. Từ đó đến nay, dự án rơi vào tình trạng thi công cầm chừng. Chính vì vậy, đại diện Tập đoàn Dầu khí đề nghị, thay đổi cơ cấu nguồn vốn 30% vay và 70% vốn chủ sở hữu để cân đối vốn đầu tư cho dự án.

Đại diện Tập đoàn Dầu khí cũng khẳng định: Việc đưa thêm vốn vào dự án sẽ không làm tăng tổng mức đầu tư là 42.000 tỷ đồng mà giúp đẩy nhanh tiến độ dự án.

Đồng tình với quan điểm này, Ủy ban quản lý vốn nhà nước cho rằng: Việc tập đoàn dầu khí sử dụng vốn chủ sở hữu để tiếp tục đầu tư cho dự án có tính khả thi cao. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt đó là cần có đánh giá chuẩn về hiệu quả dự án.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, trước khi trình chính phủ các phương án tháo gỡ khó khăn cho dự án nhiệt điện Thái Bình 2, Bộ sẽ lấy ý kiến của các Bộ, ngành về tính hiệu quả của dự án. Trên cở sở đó, sẽ tiếp tục điều chính để đưa dự án vào hoạt động.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng cho biết: Cuối tháng 7 này sẽ trình Chính phủ phương án khả thi nhất cho dự án nhiệt điện Thái Bình 2. Nếu như mọi việc suôn sẻ, cuối năm 2020, dự án sẽ chính thức vận hành, góp phần giải quyết tình trạng thiếu điện cho những năm tới đây.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước