Tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, dù đang phải cấp cứu một ca tai nạn giao thông nhưng khi có điện thoại từ đường dây nóng, điều dưỡng bệnh viện lại phải chạy gấp để nghe. Thế nhưng, đầu dây không ai nói gì.
"Lúc thì là người ta kêu buồn, lúc thì chỉ để máy không ai nói gì, lúc lại nghe tiếng trẻ con chơi đùa... gọi bất kể thời gian nào" - chị Trương Quỳnh Trang, điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai nói.
Trường hợp khác, một ca tai nạn giao thông được báo lên tổng đài với địa chỉ tại phường Long Bình, thành phố Biên Hòa. Đội ngũ lái xe, bác sĩ ngay lập tức lên đường nhưng khi tới nơi thì liên lạc không ai nghe máy.
Theo các bác sĩ, trung bình một tháng có từ 8-10 cuộc gọi báo cấp cứu giả. Mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận cả trăm cuộc gọi chỉ để phá rối. Ngày nào khoảng 10 cuộc gọi, với các bác sĩ trực được coi là ngày bình yên.
Theo thông tin từ sở Y tế Đồng Nai, tỉnh có hai bệnh viện bị phá rối số cấp cứu trong đó nhiều nhất là tại bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và đang chuyển số để cơ quan chức năng xử lý. Các bác sĩ chia sẻ, phá rối đường dây nóng ngoài làm căng thẳng cho bác sĩ, quan trọng hơn còn làm mất đi cơ hội của người cần cấp cứu thực sự.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!