Hà Nội: Đầu tư xây dựng củng cố đê điều phòng chống thiên tai

PV-Thứ tư, ngày 25/12/2019 10:59 GMT+7

VTV.vn - Thời gian qua, TP Hà Nội đã thực hiện nhiều hoạt động PCTT như củng cố đê điều, tuyên truyền pháp luật, khắc phục hậu quả do thiên tai gây nên.

Trong những năm qua, dưới tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, Hà Nội thường xuyên bị ảnh hưởng bởi các loại hình thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới, giông lốc, ngập úng, nắng nóng, rét hại… gây thiệt hại về người, tài sản, ảnh hướng đến sản xuất, phát triển kinh tế xã hội và đời sống của nhân dân.

TP Hà Nội đã tổ chức, chỉ đạo các cơ quan thực hiện công tác phòng chống thiên tai. Trong đó, công tác truyền thông, tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng về PCTT được chú trọng. Các hội nghị tuyên truyền, thông tin báo chí, lớp tập huấn được tổ chức, đi kèm với đó là các tin bài tuyên truyền về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

TP cũng xây dựng và phê duyệt phương án ứng phó với các loại hình thiên tai như Phương án hộ đê bảo vệ trọng điểm thành phố Hà Nội năm 2019, Phương án cứu trợ và đảm bảo đời sống nhân dân TP Hà Nội năm 2019, Phương án ứng phó thiên tai và ứng phó với các tình huống khẩn cấp các hồ chứa nước...

Ngoài ra, công tác phòng chống thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ" cũng được thực hiện tốt. Theo đó các phương án về chỉ huy, nhân lực, vật tư, phương tiện và hậu cần đều đã được xây dựng theo phương châm tại chỗ cụ thể về địa chỉ, số lượng và chất lượng.

Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, các sở, ngành Thành phố đã chuẩn bị, rà soát đầy đủ các điều kiện cần thiết cả về số lượng và chất lượng để triển khai các phương án, kế hoạch; đảm bảo sẵn sàng khi có tình huống xảy ra. Đồng thởi tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống thiên tai các cấp: 100% cán bộ tham gia trực tiếp công tác phòng, chống thiên tai các cấp được tập huấn nâng cao năng lực, trình độ.

TP cũng tập trung đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp và quản lý, bảo vệ công trình phòng, chống thiên tai. Năm 2019 hệ thống đê điều thành phố Hà Nội đã và đang từng bước được đầu tư xây dựng, củng cố và hoàn thiện. Cụ thể, chi kinh phí 28,197 tỷ đồng làm cứng hoá 10,232km mặt đê; Tu sửa, nâng cấp và xây mới kè bảo vệ bờ sông, mái đê 1,790km với kinh phí 67,592 tỷ đồng; Làm đường hành lang chân đê 7,565km với kinh phí 32,97 tỷ đồng; Khoan phụt vữa, xử lý ẩn họa thân đê; Nâng cấp hạ tầng và trang thiết bị quản lý (trang thiết bị, điếm canh đê, trụ sở Hạt, kho vật tư…); Thay thế cọc Km, Hm; nạo vét, sửa chữa giếng giảm áp; cải tạo, mở rộng cửa khẩu; chỉnh trang mái đê; Xây dựng và cải tạo 15 dốc lên đê.

Bên cạnh các hoạt động phòng chống thiên tai, TP cũng có nhiều hoạt động khắc phục hậu quả thiệt hại do thiên tai, sớm khôi phục hoạt động bình thường cho nhân dân, các tổ chức và doanh nghiệp. Đồng thời thành lập, thu và sử dụng Quỹ phòng, chống thiên tai vào các hoạt động thiết thực.

Tuy nhiên, TP vẫn gặp một số khó khăn và vướng mắc trong hoạt động. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu làm cường độ thiên tai trung bình có xu thế gia tăng, tần suất thiên tai lớn xuất hiện dày hơn, xuất hiện nhiều đợt thiên tai cực đoan trái với quy luật, khó dự báo, cảnh báo, nhiều tình huống bất ngờ, vượt quá năng lực chống chịu của các hệ thống phòng chống. Tình hình khí tượng thủy văn, thời tiết nguy hiểm, nhất là các loại hình thiên tai như: bão trái mùa, trái quy luật; mưa lũ cường suất lớn, hạn hán, lũ lụt, sạt lở đất, nắng nóng, rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến khu vực Hà Nội tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.

Cơ sở vật chất, kinh phí phục vụ cho công tác phòng chống thiên tai còn thiếu đặc biệt là ở cấp huyện, cấp xã. Việc báo cáo tình hình và tiếp nhận xử lý thông tin khi thiên tai xảy ra giữa Ban Chỉ huy các cấp với Ban Chỉ huy cấp tỉnh còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác dự báo chưa sát với diễn biến thiên tai, một số loại thiên tai như giông, sét ... xảy ra trong phạm vi nhỏ, thời gian ngắn nên khó dự đoán. Trang thiết bị, nhân lực tuy đã được đào tạo, nâng cấp nhưng chưa đáp ứng được với tình hình thực tế, nhất là trang thiết bị phục vụ quan trắc và cảnh báo, phương tiện phục vụ công tác cứu hộ cứu nạn.

Công tác tổ chức tập huấn, diễn tập trong phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đạt hiệu quả chưa cao. Việc bố trí kinh phí cho công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình phòng, chống thiên tai còn hạn chế, chưa kịp thời.

Đặc biệt, bố trí ngân sách thường xuyên đảm bảo thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai các cấp và nâng cao năng lực tham mưu cho Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp. Hướng dẫn chi tiết về cơ sở xác định hỗ trợ, trình tự thủ tục thực hiện, thanh quyết toán các khoản hỗ trợ từ Quỹ phòng, chống thiên tai. Hướng dẫn xây dựng và bảo đảm các vị trí việc làm trong các tổ chức có chức năng, nhiệm vụ quản lý phòng, chống thiên tai từ trung ương đến địa phương. Hướng dẫn xây dựng đội ngũ làm công tác phòng, chống thiên tai theo hướng chuyên nghiệp bảo đảm hoạt động hiệu quả.

Ngoài ra, hoàn thiện các quy định pháp luật, bảo đảm nguồn nhân lực quản lý phòng chống thiên tai đáp ứng nhiệm vụ được giao.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước