Thời gian qua, UBND TP Hà Nội đã quyết định hàng loạt nội dung quan trọng liên quan đến Đề án đầu tư, xây dựng các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì thành quận vào năm 2020. Theo đó, các huyện Đông Anh, Gia Lâm và Thanh trì sẽ phải phối hợp với Sở Nội vụ và các Sở, ngành đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, xây dựng Đề án đầu tư, xây dựng 3 huyện thành quận, trình cấp có thẩm quyền của thành phố xem xét và quyết định theo chỉ đạo của Ban Thương vụ Thành ủy tại Thông báo kết luận số 1488-TB/TU ngày 24/7/2018.
Trên cơ sở báo cáo của các đơn vị về yêu cầu, nhu cầu cấp thiết của việc phát triển đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội; những thuận lợi, ưu thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, trình độ phát triển kinh tế - xã hội, giá trị văn hóa truyền thống hiện có của từng huyện, tập thể UBND thành phố thống nhất nhận định, dự thảo Đề án đã được xây dựng công phu, chi tiết, đánh giá toàn diện tình hình tại mỗi địa phương, đồng thời bám sát các tiêu chí của quận, của phường được quy định tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH và Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Để giải quyết một số tiêu chí các huyện chưa đạt để đủ điều kiện chuyển thành quận, như: Cân đối thu chi ngân sách, đầu tư hạ tầng khung, mật độ đường giao thông đô thị, tỷ lệ nước thải đô thị, đường đô thị được chiếu sáng, đất cây xanh công cộng…, UBND thành phố thống nhất sẽ báo cáo, xin ý kiến Chính phủ cho phép Hà Nội được áp dụng cơ chế đặc thù về tài chính để tạo nguồn lực đầu tư giúp các huyện phát triển thành quận.
Cùng đó, thành phố sẽ kêu gọi đầu tư từ nguồn xã hội hóa thông qua việc thuê tổ chức nước ngoài thực hiện điều chỉnh tổng thể quy hoạch 3 huyện trên tinh thần giảm mật độ, tăng chiều cao.
Ngoại trừ các tuyến đường đã giao các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng của thành phố triển khai, UBND TP ủy quyền toàn bộ việc triển khai các thủ tục đầu tư hạ tầng giao thông trên địa bàn cho 3 huyện thực hiện.
Thành phố cũng giao UBND các huyện khẩn trương bổ sung, hoàn thiện danh mục các dự án đầu tư công vào cuối tháng 3/2019, trình UBND TP để báo cáo HĐND TP xem xét, quyết định. Giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Viện Quy hoạch Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải lập chỉ giới đường đỏ, tổ chức cắm mốc tạo điều kiện cho các huyện giải phóng mặt bằng sạch để thực hiện.
Các huyện cần khẩn trương rà soát quỹ đất để sớm bố trí đầu tư xây dựng các trụ sở Công an phường đảm bảo kịp tiến độ của Đề án đề ra. Phải triển khai linh hoạt các giải pháp thu hút đầu tư, nỗ lực phủ xanh các con đường, ngõ xóm trên địa bàn; Đẩy mạnh phát động các phong trào trồng cây xanh theo hướng vận động từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người dân tham gia trồng 1 cây xanh đến năm 2030. Tại các trường học, cần đôn đốc các nhà trường vận động phụ huynh học sinh tích cực tham gia cùng cộng đồng.
Ngoài ra, cần tăng cường sử dụng nguồn năng lượng sạch (năng lượng mặt trời) phục vụ chiếu sáng công cộng. Thành phố sẽ ủy quyền cho các huyện đầu tư hệ thống điện mới bằng hệ thống điều hành thông minh, qua đó khuyến khích xã hội hóa để đảm bảo tiết kiệm chi ngân sách. Về việc xử lý nước thải, thành phố giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất cơ chế đặc thù về đơn giá, trình UBND TP trước ngày 28/2/2019 để báo cáo Bộ Xây dựng đầu tháng 3/2019.
Về nước sạch sinh hoạt, các huyện khẩn trương triển khai lắp đường ống nước sạch cho các xã, thị trấn. Để tạo nguồn thu cho ngân sách, các huyện đẩy mạnh phát triển các dịch vụ, phát triển các cụm công nghiệp sạch, tăng cường thu hút đầu tư về du lịch, phát triển làng nghề; quan tâm việc sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống làm quà lưu niệm cho du khách cũng như đầu tư xây dựng phát triển các thiết chế văn hóa cấp phường.
Các cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo Đề án, báo cáo UBND TP trước ngày 28/2/2019 để báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy theo quy định.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!