Năm 2004, bến xe Lương Yên ra đời là giải pháp tình thế để giải quyết tình trạng quá tải tại các bến xe trên địa bàn nội đô và đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Nhưng sau 12 năm tồn tại, bến xe này có rất nhiều cái “không”: không phòng y tế sơ cấp cứu, không có nơi phục vụ người khuyết tật, không cây xanh, thảm cỏ... thậm chí, tối thiểu nhất là đường cho xe ra, vào bến riêng biệt cũng không.
"Đóng cửa bến xe Lương Yên là điều tất yếu. Tôi khẳng định không chỉ riêng tôi mà toàn thể cán bộ công nhân viên của công ty cũng xác định ủng hộ chủ trương này vì một thành phố xanh, sạch, đẹp", ông Trần Ngọc Thiều - Giám đốc Công ty TNHH MTV Lương thực Lương Yên - cho biết.
Bến xe Lương Yên hiện có 52 đơn vị vận tải hoạt động, mỗi ngày bến xe này có 330 lượt xe ra, vào, chạy 38 tuyến, đi 20 tỉnh, thành phố. Theo quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội, đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bến xe Lương Yên cũng không nằm trong danh mục các bến xe được nâng cấp, cải tạo để tiếp tục chủ trương chỉnh trang đô thị mang lại không gian xanh sạch, văn minh cho Thủ đô.
Hiện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã đề xuất hai phương án di dời bến xe Lương Yên. Phương án 1 sẽ điều chuyển các tuyến và phương tiện đang hoạt động tại bến xe này về các bến xe còn khả năng tiếp nhận. Phương án 2 sẽ di dời toàn bộ sang bến xe Cổ Bi Gia Lâm.
Tuy nhiên bến xe Cổ Bi đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư nên nhiều khả năng phương án 1 sẽ được lựa chọn để thực hiện.
Dự kiến phương án cũng như lộ trình cụ thể sẽ được sở GTVT Hà Nội trình các cấp có thẩm quyền lần cuối trong tháng 6 để có thể kịp di dời bến xe Lương Yên theo đúng kế hoạch vào cuối tháng 7/2016.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!