Theo kế hoạch, trước Tết Nguyên đán 2019, Hà Nội sẽ đưa tuyến đường sắt đô thị đầu tiên (Cát Linh - Hà Đông) đi vào khai thác thương mại. Tuy nhiên, phương tiện di chuyển này đang được đánh giá là thiếu tính kết nối đối với các hạ tầng giao thông khác trong thành phố.
Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có 12 nhà ga, nhưng khu vực xung quanh các nhà ga này thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, đặc biệt là các nhà ga có tuyến giao thông chính như ga Cát Linh, Vành đai 3, Yên Nghĩa... Ngoài ra, hạ tầng giao thông kết nối chưa đảm bảo thuận tiện cho người và các phương tiện công cộng khác tiếp cận.
Nhận thấy vấn đề trên, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu bổ sung hệ thống biển báo, biển dừng đỗ xe khu vực nhà ga để thuận tiện cho hành khách, đồng thời đảm bảo trật tự an toàn giao thông khu vực; rà soát, điều chỉnh các điểm chờ xe bus phù hợp hơn với các nhà ga để tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách.
Để tăng thêm tính kết nối, Sở GTVT nghiên cứu phương án điều chuyển các tuyến xe bus dọc, bổ sung, các tuyến ngang kết nối và điều chỉnh tần suất hoạt động các tuyến cho phù hợp nhu cầu đồng thời nghiên cứu dịch chuyển các điểm dừng xe bus cho phù hợp với nhà ga đường sắt. Cụ thể, tại mỗi nhà ga bố trí một cặp điểm dừng (24 điểm dừng/12 nhà ga) sát ngay nhà ga để đảm bảo hành khách trung chuyển thuận lợi giữa xe bus và tuyến đường sắt đô thị; xen giữa các nhà ga bố trí các điểm dừng để tạo thuận lợi cho người dân sử dụng xe bus (cự ly gần nhất giữa các điểm dừng 300m, cự ly xa nhất giữa các điểm dừng 700m).
Ngoài ra, khi tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Nội đi vào hoạt động, các tuyến xe bus trùng sẽ được giảm và điều chỉnh để gom khách phục vụ nhu cầu di chuyển bằng phương tiện đường sắt đô thị. Giai đoạn đầu, Hà Nội điều chỉnh 50% lượt xe trùng lộ trình với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông của các tuyến 01, 02, 21A, 27 và 100% lượt xe của tuyến 33; điều chỉnh tăng cường xe bus kết nối tại ga Cát Linh gồm các tuyến 22A, 25, 41, 90 (nghiên cứu điều chỉnh các tuyến kết nối bến xe Kim Mã và ga Cát Linh).
Nhằm khích lệ và tạo điều kiện hỗ trợ người dân đang sử dụng phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng được thuận tiện hơn, Sở GTVT sẽ bố trí ở các khu nhà ga đều có nơi đỗ xe máy, xe đạp phục vụ hành khách tại gầm cầu thang hoặc vỉa hè xung quanh. Chỉ có ga La Thành (trên phố Hoàng Cầu) và ga Thượng Đình là bị hạn chế. Tại những nhà ga không bố trí được điểm đỗ xe, Sở đề nghị UBND các quận sở tại nghiên cứu, đề xuất vị trí hợp lý.
Thành phố cũng nghiên cứu phương án hỗ trợ vé cho hành khách, đặc biệt đối với người khuyết tật, trước mắt thực hiện miễn giảm các giá vé và giá dịch vụ đối với xe bus; phát triển một hệ thống thẻ vé thông minh; nghiên cứu cơ chế hỗ trợ gửi xe đạp, xe máy cho hành khách đi tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.
Giai đoạn trước mắt để phục vụ kịp thời tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông dự kiến cuối năm 2018 đưa vào khai thác, Sở GTVT kiến nghị TP Hà Nội cho phép đơn vị tổ chức giao thông tạm thời trên cơ sở hiện trạng, phối hợp với phương án điều chỉnh luồng tuyến xe bus để phục vụ cho công tác vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông; bố trí để xe đạp, xe máy tạm thời dưới gầm các cầu thang lên, xuống.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!