Theo dự báo, từ trưa đến chiều mai (15/9), bão số 10 sẽ đổ bộ vào đất liền nước ta. Cơn bão này được đánh giá là mạnh nhất từng đổ bộ vào Việt Nam trong vòng 3 năm trở lại đây.
Trước tình hình đó, vào sáng nay (14/9), Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão để xác định cụ thể những việc cần phải thực hiện ngay. Hội nghị do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì.
Đến thời điểm này, các trung tâm khí tượng trên thế giới và Việt Nam đều có chung một nhận định, đó là bão số 10 sẽ đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh thành từ Nghệ An đến Quảng Bình của nước ta trong chiều tối và đêm mai (15/9). Đặc biệt khi bão đổ bộ sẽ giữ nguyên cường độ mạnh cấp 11 - 12. Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, công việc quan trọng ưu tiên hàng đầu bây giờ đó là an toàn trên biển.
Ban Chỉ đạo yêu cầu các địa phương từ giờ đến đêm nay (14/9) cần theo dõi hướng dẫn cho gần 5.000 phương tiện với hơn 28.000 lao động vẫn đang trong vùng nguy hiểm cùng với 4 tàu và 38 lao động của Ninh Bình và Thanh Hóa chưa liên lạc được.
Một số tỉnh như Nghệ An, Thái Bình đã cấm biển từ ngày hôm nay (14/9). Ban Chỉ đạo yêu cầu các tỉnh khác từ Quảng Ninh - Khánh Hòa tùy tình hình địa phương sẽ tiếp tục tiến hành cấm biển trong ngày hôm nay.
Bão số 10 cũng kéo theo nguy cơ về vùng mưa lớn từ 100 - 300mm và nước biển dâng cao do trùng đúng vào đợt thủy triều lớn nhất trong năm dọc theo các tỉnh ven biển từ Nam Định - Quảng Ngãi. Nên cần theo dõi, kiểm tra sát sao hệ thống hồ chứa, nhất là 26 hồ thủy lợi xung yếu ở khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ cũng như các hồ thủy điện.
Một vấn đề cũng cần tập trung là di dân. Trong chiều nay (14/9), Hà Tĩnh, Quảng Bình sẽ tập trung sơ tán khoảng 30.000 hộ dân ở các vùng cửa sông, vùng ven biển. Ban Chỉ đạo yêu cầu các địa phương khác cũng cần quyết liệt sơ tán dân ở những vùng xung yếu.
Đặc biệt, bão số 10 dự kiến sẽ đổ bộ vào đất liền với cường độ cấp 10, cấp 11 trong khi hệ thống đê biển của các tỉnh ven biển chỉ chịu được cấp 8 - 10. Do vậy, Ban Chỉ đạo yêu cầu các địa phương cần kiểm tra, rà soát kỹ hệ thống đê và có phương án di dời dân ở những vùng xung yếu. Đồng thời, với các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế trở ra đến Đồng bằng sông Hồng cần phải khẩn trương thu hoạch nhanh gọn các diện tích lùa Hè Thu cũng như lúa mùa để tránh thiệt hại cho bà con nông dân.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!