Chế tài này là một điều tốt, giúp hạn chế rác thải, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc chế tài có khả thi để thực hiện hay không thì lại là một vấn đề khác.
Không khó để chứng kiến cảnh người dân vô tư xả rác bừa bãi ngay trên vỉa hè, lề phố, nơi công cộng, thậm chí tại những nơi có những biển cấm rõ ràng. Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường soạn thảo, trong đó có nội dung đáng chú ý là nguyên tắc "người gây ô nhiễm phải trả tiền".
Việc thu tiền xả rác tại đô thị sẽ được thực hiện thông qua hình thức bán túi chứa rác thân thiện với môi trường. Những hộ xả nhiều rác phải trả nhiều tiền hơn để mua túi đựng rác, nếu không sẽ bị xử phạt nặng. Nhiều ý kiến cho rằng, về lý thuyết đây là quan điểm rất đúng và công bằng, còn xét về tính khả, còn có nhiều bất cập.
Các chuyên gia góp ý, khi thu phí xả rác theo cách mới, cần tính toán đến những hộ khó khăn, hộ nghèo. Bên cạnh đó, cần tính toán chặt chẽ các quy định, ai sẽ là đơn vị bán túi, ai sẽ là người giám sát việc xả rác đúng luật, chế tài sẽ ra sao? Và quan trọng hơn cả vấn đề phân loại rác tại nguồn mới chính là gốc rễ của việc xử lý rác sinh hoạt. Thực tế cho thấy, mức phí xử lý rác thải hiện nay mới chỉ đáp ứng được chi phí thu gom, vận chuyển, chưa tính được phí xử lý rác thải.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!