Thực hiện nghiêm túc theo Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt là biện pháp cách ly toàn xã hội từ ngày 01/04/2020 đến ngày 15/04/2020, những người dân đã và đang ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong các trường hợp cần thiết để bảo vệ bản thân, bảo vệ gia đình và đấy chính là hành động có trách nhiệm với xã hội.
Tuy nhiên, với tình hình các hoạt động xã hội thông thường đều ngừng lại, mọi gia đình đều ở nhà thì nhu cầu tìm các hình thức giải trí tại gia trong mùa dịch là khá phổ biến. Hiện tại, xuất hiện tình trạng mâu thuẫn hàng xóm, nhất là ở các chung cư, do việc "tra tấn lỗ tai nhau" bằng việc hát karaoke.
Theo Luật sư Lê Văn Hồi, việc giải trí cá nhân là việc riêng, nhưng nếu ảnh hưởng đến người khác, ảnh hưởng đến không gian chung thì pháp luật cũng đã có những quy định để xử lý người vi phạm.
Cụ thể, tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, quy định hành vi "gây mất trật tự ở khu dân cư"là hành vi vi phạm quy định về trật tự công cộng và có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng (Điều 5.1.b Nghị định số 167/2013/NĐ-CP); hành vi "Gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22h ngày hôm trước đến 06h sáng ngày hôm sau" là hành vi vi phạm quy định về bảo đảm sự yên tĩnh chung và có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng (Điều 6.1.b Nghị định số 167/2013/NĐ-CP).
Như vậy, hành vi gây mất trật tự nói chung cũng là hành vi vi phạm pháp luật, riêng với khung giờ buổi tối (từ 22h00 đến 06h00) là khoảng thời gian nghỉ ngơi cần sự yên tĩnh cao nên có quy định xử phạt riêng cho những cá nhân vi phạm.
Cũng theo luật sư Lê Văn Hồi, về mặt pháp lý, việc hát karaoke có thể xử phạt theo quy định pháp luật, nhưng thiết nghĩ nếu rơi vào hoàn cảnh bị làm phiền bởi "tiếng hát át hết mọi thứ của người khác", thay vì nhờ đến cơ quan chức năng xử lý theo quy định pháp luật, chúng ta nên trao đổi, nhắc nhở lẫn nhau trên tinh thần tình làng nghĩa xóm, rằng có thể hát nhưng tránh hát vào giờ nghỉ ngơi của mọi người, khi hát thì bật nhỏ âm lượng... Nếu người đó không chịu hợp tác thì có thể nhờ đến sự can thiệp của Ban quản lý Tòa nhà trước khi nhờ đến pháp luật, có như vậy sự việc sẽ được xử lý hài hòa, không gây mất đoàn kết tại nơi sinh sống chỉ vì những hành vi mang tính nhất thời trong mùa dịch COVID-19 này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!