1 tuần sau lệnh dỡ bỏ cách ly, cuộc sống người dân thôn Đông Cứu trở về như thường nhật, chỉ có điều, nơi đây đã không còn bóng dáng của các thương nhân tấp nập tới mua bán như trước. Thay vào đó là khung cảnh đìu hiu, vắng vẻ. Một số chủ cửa hàng cũng loay hoay tìm lại những mối hàng cũ.
"Để khôi phục không biết đến bao giờ. Các đầu buôn bị ảnh hưởng nên họ sẽ đi tìm các mối khác. Nguồn thợ cũng bị mất, để họ trở lại làm cho mình tương đối khó" - anh Phạm Ngọc Điệp, thôn Đông Cứu cho biết.
Trước kia, xưởng thêu của anh Điệp có gần 20 thợ. Do quá đông nên anh phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng để xây khu nhà riêng. Tuy nhiên, đến nay, không còn ai theo nghề nên ngôi nhà này cũng đành bỏ không. Chưa kể tiền thuê mặt bằng cũng mất hàng chục triệu mỗi tháng khiến anh thiệt hại nặng nề về kinh tế.
Có những hộ kinh doanh vẫn có 1, 2 người làm tuy nhiên việc họ ngồi thêu cũng chỉ để giết thời gian, còn hàng hóa vẫn trong tình trạng tồn đọng và ế ẩm. Cuộc sống của người lao động cũng bị ảnh hưởng không kém.
Toàn thôn có 572 hộ thì có tới 90% số hộ làm nghề thêu, trong đó, hơn 100 cơ sở thêu lớn có từ 10 lao động trở lên. Ngoài thêu tay, một số hộ vay vốn ngân hàng lên đến tiền tỷ để đầu tư máy móc. Sản xuất bị đình trệ nên máy móc hoạt động cũng chỉ để giữ chân nhân công thậm chí có những chiếc máy khâu đã nằm "đắp chiếu".
Anh Nguyễn Văn Đốc cho biết: "Một số anh em trong nghề cho biết đã giải tán, bỏ nghề. Một số chỉ sản xuất cầm chừng để duy trì nghề. Tôi còn đống hàng tồn giá trị lên đến cả tỷ đồng. Mong muốn của chúng tôi lúc này là chỉ mong nhà nước hỗ trợ".
Theo một số người dân, dù đã được dỡ bỏ lệnh cách ly nhưng vẫn còn rất nhiều người chưa dám đến đây. Bởi vậy, dân làng và cấp chính quyền địa phương cũng mong mọi người không e ngại khi tới giao dịch hoặc làm việc để làng nghề nhanh chóng hồi phục và phát triển như xưa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!