Chỉ tính trong vòng 4 tháng, từ cuối năm 2015 đến nay, tổng diện tích lúa thiệt hại tại ĐBSCL là gần 139.000 ha. Trong đó, 86.000 ha thiệt hại trên 70% năng suất, 43.000 ha thiệt hại từ 30 - 70% năng suất. Các tỉnh bị thiệt hại nặng gồm: Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Bến Tre. Không chỉ thiếu nước cho vụ mùa, ngay cả nước sinh hoạt của người dân ĐBSCL cũng bị ảnh hưởng trầm trọng.
Nếu chỉ tính phạm vi ảnh hưởng của ranh nước mặn 4g/l (độ mặn không thể lấy nước sinh hoạt hay sản xuất) thì ranh mặn đã ảnh hưởng đến 10/13 tỉnh ĐBSCL. Ranh mặn 4g/l vào sâu trong nội đồng so với năm 2015 từ 15 - 45km.
Những ngày qua, các giá trị thời tiết, khí hậu chưa từng xuất hiện trong lịch sử cũng được thiết lập tại ĐBSCL. Tại Long An, ranh mặn trên sông Vàm Cỏ vào sâu 90 - 93km, gần gấp đôi so với quy chuẩn thiên tai xâm nhập mặn cấp 2 - cấp cao nhất.
Tại Bến Tre, chưa bao giờ nước nhiễm mặn 1g/l bao phủ hầu khắp tỉnh này; 160/164 xã không có nước ngọt để sinh hoạt. Ở trạm Mỹ Hóa, thành phố Bến Tre, lần đầu tiên trong lịch sử độ mặn đo được lên tới 11,8 g/l, gấp 47 lần tiêu chuẩn lấy nước sinh hoạt.
Tại thành phố Cần Thơ, lần đầu tiên trong lịch sử, cảng Cái Cui - Cần Thơ (cách cửa biển 75km) ghi nhận độ mặn cao 2g/l vào ngày 5/3 và 8/3.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.