Từ thế thế kỷ XIX, An Nam là thuộc địa của Pháp. Không thể đứng im nhìn tài nguyên và sức lao động của người An Nam bị bóc lột, năm 1911, từ bến Nhà Rồng, chàng thanh niên tên Văn Ba đã rời Tổ quốc để ra đi tìm con đường cứu nước.
Sau này, khi trả lời nhà văn Mỹ, Người nói: "Nhân dân Việt Nam lúc này thường hỏi nhau, ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Nhật, người khác nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ về giúp đồng bào tôi".
Câu nói nhẹ nhàng nhưng thể hiện thái độ dứt khoát, sẵn sàng đón nhận gian lao, thử thách của một vĩ nhân trước bước ngoặt của cuộc đời. Từ một người yêu nước, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy con đường giải phóng dân tộc mình sau khi bắt gặp Sơ thảo luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lenin tại Pháp.
Tầm ảnh hưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khiến năm 1987, Tổ chức Khoa học, giáo dục, văn hóa của LHQ (UNESCO) vinh danh Người là Anh hùng giải phóng dân tộc - nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam. Nhà văn hóa còn thể hiện trong con người Hồ Chí Minh dưới lăng kính đạo đức của người lãnh đạo quần chúng.
Là bảo vệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1966 đến khi Người qua đời, ông Trần Viết Hoàn cho biết sự giản dị trong lối sống là nét đặc sắc nhất của văn hóa Hồ Chí Minh - Một con người giản dị nhưng vĩ đại trong nhân dân.
"Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi" - câu trả lời nhà báo nước ngoài lần cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1969 đã nói lên tấm lòng của một lãnh tụ suốt đời đấu tranh cho mục đích duy nhất là mang lại độc lập, tự do cho dân tộc và mang lại hạnh phúc cho nhân dân mình. Hơn thế nữa, Hồ Chủ tịch còn mang đến niềm hy vọng chung cho các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Thân thế và sự nghiệp của Người vì thế đã vượt ra ngoài phạm vi biên giới của Tổ quốc mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!