Học đại học xong sẽ làm gì?

Quang Hạnh-Thứ sáu, ngày 22/03/2013 10:53 GMT+7

Ảnh minh họa

 Vượt qua các cánh cổng trường để vào ĐH, mỗi thí sinh được ví như vượt vũ môn, vào đời với nghề nghiệp ổn định. Nhưng giờ đây, đối với mỗi sinh viên, học xong sẽ làm gì đang trở thành câu hỏi lớn?

Hằng ngày, công việc của chị Mai Thị Phương, Công ty RFT, Khu công nghiệp VSip, Từ Sơn, Bắc Ninh là xếp những con IC vào đúng ô trống. Sau 6 năm học đại học, 2 tấm bằng của chị Phương giờ không giúp gì được chị trong công việc hiện tại, bởi công việc chị đang làm vốn chỉ đòi hỏi sự kiên trì và cẩn thận.

Chị Phương chia sẻ: “Sau khi tôi ra trường, đi tìm việc nhiều nơi nhưng không được nên tôi đã vào công ty làm việc tạm thời”.

Đại diện Công ty RFT cho biết, trong số hơn 1.000 công nhân đang làm việc tại đây, số lượng công nhân có bằng đại học chiếm một số lượng không nhỏ.

“Số lượng công nhân có bằng ĐH trong công ty của chúng tôi rất nhiều. Tuy nhiên, chỉ có một số ít người khai trong hồ sơ, nhiều trường hợp họ không khai những bằng cấp như thế bởi họ ngại. Tiêu chí tuyển công nhân của công ty chúng tôi cũng chỉ cần đúng độ tuổi và tốt nghiệp cấp hai là được”, ông Nguyên Văn Thà, Công ty RET nói.

Thống kê trong năm 2013 của các địa phương gần đây cho thấy, số lượng sinh viên tốt nghiệp ĐH không tìm được việc làm, hoặc làm việc trái ngành nghề được đào tạo đang trở nên phổ biến.

Một nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu và phân tích chính sách thuộc ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn cũng cho biết, 26,2% số sinh viên sau khi ra trường trong một năm đầu tiên không thể tìm được việc làm. Gần 70% làm việc trái ngành nghề được đào tạo. Nghiên cứu được thực hiện với quy mô 2.000 sinh viên của nhiều trường ĐH cả hai miền Nam và Bắc.

Ông Nguyễn Văn Áng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ GD&ĐT nói: “Gần 70% số sinh viên sau khi tốt nghiệp làm việc không đúng ngành nghề đào tạo thực sự đúng là con số khiến chúng ta phải giật mình. Ở đây phải nhìn nhận đúng trách nhiệm của các trường, các ngành và đặc biệt của Bộ GD&ĐT”.

Hơn 5.000 doanh nghiệp giải thể trong năm vừa qua là nguyên nhân chính khiến cho cơ hội việc làm của sinh viên bị thu hẹp. Nhưng một lý do khác là công tác dự báo về nguồn nhân lực, dự báo về thị trường lao động dường như lại thiếu sự gắn kết, phối hợp giữa các ngành.

Vượt qua những cánh cổng trường để vào ĐH, mỗi thí sinh được ví như vượt vũ môn, vào đời với công việc, nghề nghiệp ổn định. Nhưng giờ đây, đối với mỗi sinh viên và gia đình các em, học xong sẽ làm gì, làm ở đâu đã và đang trở thành câu hỏi lớn hơn, thường trực hơn? Và cần làm gì để không bỏ phí tiền của và công sức của bản thân, gia đình và cả xã hội?

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước