Hơn 100.000 người chết, bị thương do bom mìn

Anh Ngọc-Thứ sáu, ngày 05/04/2013 00:02 GMT+7

Hình ảnh được trưng bày tại triển lãm “Khắc phục hậu quả bom mìn vì bình yên cuộc sống”. Ảnh: Kinh tế đô thị

 Chiến tranh đã đi qua gần 40 năm, nhưng mỗi năm Việt Nam phải chi khoảng 1.600 tỷ đồng khắc phục hậu quả bom mìn. Từ sau chiến tranh đến năm 2000, cả nước đã có hơn 100.000 người chết và bị thương do bom, mìn sót lại.  

Dù đã nhiều năm trôi qua, nhưng rất nhiều người dân Quảng Trị đến giờ vẫn không quên nổi những hình ảnh kinh hoàng do hậu quả của bom mìn. Một buổi tiêm chủng mở rộng tại huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị kết thúc bằng một quả bom phát nổ, ba cháu bé chết tại chỗ. Chiến tranh dù đã lùi xa gần 40 năm, nhưng đến giờ trên khắp mảnh đất hình chữ S, những nạn nhân mới của bom đạn vẫn không ngừng xuất hiện. Những nỗi đau trong thời bình còn bàng hoàng, xót xa hơn cả trong những ngày chiến tranh, lửa đạn.

Em Hồ Văn Lai, huyện Đông Hà, tỉnh Quảng Trị kể: “Bây giờ em vẫn còn sợ. Cảm giác sau khi bị nổ người em rất nóng, không biết đau, vì là thương tật quá nhiều nên không đau. Sau cái vụ đó, mỗi lần đi qua những bãi cát tương tự như thế em rất sợ”.

Hồ Văn Lai chỉ là một trong số gần 7.000 trẻ em trở thành nạn nhân của bom mìn trong hơn 30 năm qua tại khu vực 6 tỉnh miền Trung. Tại nhiều địa phương như Quảng Trị, những vùng ô nhiễm bom mìn vẫn còn chiếm tới gần 80% diện tích đất đai. Làm ruộng, xây nhà hay bất cứ sinh hoạt nào trên mặt đất cũng đều có thể gây ra thảm họa.

Những năm qua, dù đã có rất nhiều cố gắng, nhưng mỗi năm cũng chỉ có khoảng trên dưới 30.000 ha diện tích được rà phá bom mìn. Đó là một con số quá nhỏ so với 6,6 triệu ha đất bị xác định là còn bom mìn sót lại.

Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, Cục trưởng cục Tuyên huấn, bộ Quốc phòng cho biết: “Con người chúng ta không thiếu, quân đội sẵn sàng đi trước chấp nhận hiểm nguy để đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân, thế nhưng phải có phương tiện, trang bị. Một quả đạn nằm trong lòng đất thì không phải dễ dàng bằng mắt thường mà thấy được, phải vừa làm, vừa nghiên cứu, tìm hiểu, vừa hoàn chỉnh. Đương nhiên quyết tâm của chúng ta là phải rút ngắn thời gian, không thể để kéo dài, bởi vì càng kéo dài bao nhiêu thì hậu quả của nó càng nặng nề bấy nhiêu”.

Một dự đoán rằng, Việt Nam sẽ mất 300 năm để làm sạch toàn bộ bom mìn có thể vẫn chưa chính xác. Cho đến lúc này, việc kiểm tra xác định bom mìn mới chỉ được thực hiện trên 60% lãnh thổ. Cách đây ba năm, một chương trình hành động quốc gia về khắc phục hậu quả bom mìn đã được thông qua, một Ban chỉ đạo nhà nước đã được thành lập, nhưng chừng đó dường như vẫn là chưa đủ.

Ông Jimmy Roodt, Giám đốc Chương trình quốc gia Việt Nam - MAG cho rằng: “Có thể giải quyết ô nhiễm bom mìn ở Việt Nam trong vòng 30-40 năm, nhưng vấn đề là phải có thêm đầu tư, phải có sự góp sức của nhiều tổ chức trên thế giới, chứ không chỉ là cố gắng của riêng Chính phủ Việt Nam. Cần trách nhiệm từ nhiều tổ chức chính phủ, phi chính phủ của các nước khác để rút ngắn thời gian giải quyết hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở đất nước các bạn”.

Những thế hệ trẻ hôm nay sinh ra trong hòa bình, nhiều người đã không còn hình dung sự khốc liệt của bom đạn, nhưng hàng triệu trẻ em miền Trung vẫn đang hàng ngày, hàng giờ đối mặt với hiểm nguy. Để đẩy nhanh tiến độ giải quyết bom mìn, trong thời gian tới, sự vào cuộc một cách chủ động hơn của xã hội và các tổ chức quốc tế là điều vô cùng quan trọng.

Mời quý vị xem Video chi tiết tại đây:

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước