Cơ chế hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) được khởi xướng từ năm 1992 với sự hỗ trợ của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB). Những dự án được triển khai trong cơ chế hợp tác này ở Việt Nam đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực về xóa đói giảm nghèo,
Đồng bào các dân tộc ở thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn nằm trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Ba Bể, trước đây, sống chủ yếu dựa vào rừng, làm nông nghiệp và nguồn hải sản vùng lòng hồ. Người dân nơi đây chỉ thực sự thoát nghèo sau khi có dự án được ADB tài trợ theo cơ chế hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng.
Kể từ khi làm du lịch xanh Homestay, thôn Pác Ngòi có gần 100 hộ thì 1/3 số hộ làm Homestay. Du lịch thực sự trở thành nghề làm giàu một cách hiệu quả bền vững của đồng bào dân tộc sống trong vùng lõi của Vườn quốc gia Ba Bể
Dự án phát triển du lịch bền vững Tiểu vùng sông Mekong tại Bắc Kạn trong 5 năm có vốn 35 tỷ đồng, trong đó ADB tài trợ hơn 29 tỷ đồng đã kết thúc nhưng tới giờ vẫn rất hiệu quả. Nhiều công trình hay thiết bị của dự án như hệ thống đèn năng lượng Mặt Trời vẫn sáng hàng đêm ở thôn Pác Ngòi.
Du lịch là một trong số 8 lĩnh vực nằm trong chương trình hợp tác kinh tế Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) như giao thông, năng lượng, viễn thông, nhân lực, môi trường, nông nghiệp, thương mại đầu tư được Việt Nam tích cực tham gia và có nhiều sáng kiến. Cũng như người dân ở thôn Pác Ngòi, sự hợp tác này đã và đang mang đến những điều tốt đẹp hơn, nhất là tại những vùng đồng bào dân tộc khó khăn.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!