Thu hẹp khoảng cách phát triển giữa 6 thành viên ASEAN với các nước nằm dọc theo sông Mekong là mục tiêu chủ đạo của cơ chế hợp tác cấp tiểu vùng giữa Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam. Qua 7 Hội nghị cấp cao, cơ chế hợp tác này đã giúp các nước tiểu vùng Mekong tăng cường kết nối, thúc đẩy hợp tác. Hội nghị lần thứ 8 được Việt Nam đăng cai vào đầu tuần tới sẽ thắt chặt hơn cơ chế hợp tác này theo hướng thực chất.
Năm 2015, Việt Nam và Lào đã ký Hiệp định Thương mại biên giới. Hiệp định đã tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động giao thương qua cửa khẩu, đồng thời tạo sự thống nhất để giải quyết một số vấn đề trong hoạt động thương mại biên giới, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội các tỉnh biên mậu và góp phần thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương.
Dù là Hiệp định song phương nhưng đây được coi là một bước góp phần hiện thực hóa của chủ trương tạo thuận lợi cho thương mại xuyên biên giới, một trong những ưu tiên hợp tác được nhấn mạnh trong cơ chế hợp tác giữa 4 nước.
Cùng với nỗ lực tăng cường kết nối giao thông giữa Việt Nam với Lào, Campuchia, Myanmar, Việt Nam cũng đã có nhiều sáng kiến đóng góp cho cơ chế hợp tác tiểu vùng này.
Khác với các Hội nghị trước đây, tại Hội nghị cấp cao Campuchia, Lào, Myanmar do Việt Nam đăng cai lần này sẽ diễn ra Diễn đàn kinh tế thế giới về Mekong. Sáng kiến này của Việt Nam được cho là sẽ giúp 4 nước thu hút được nhiều nguồn lực hơn nữa cho phát triển.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!