Xói lở bờ biển đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng tại Đồng bằng sông Cửu Long. Mặc dù các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp công trình để ứng phó, nhưng chưa thật sự phát huy hiệu quả tích cực. Một trong những giải pháp đang được các nhà khoa học chú ý là "Cấu kiện bê tông cốt phi kim". Công nghệ này cũng được báo cáo phản biện sáng nay (22/11) tại tỉnh Cà Mau.
Hơn 10 tham luận của các nhà khoa học đến từ nhiều Viện, Trường trong cả nước đã chỉ ra những ưu điểm của kè bê tông cốt phi kim là chống ăn mòn ở những khu vực nước mặn, phèn và dễ dàng lắp đặt, di dời. Đặc biệt, giá thành thấp hơn khoảng 20% so với những công trình truyền thống.
Giải pháp kè bê tông cốt phi kim có nhiều lỗ rỗng, bên trong có vách ngăn, đáy hở, có nhiều gân ngang, dọc nhằm giảm tối đa năng lượng sóng khi tác động vào bờ. Hệ thống kè này được lắp đặt song song với bờ biển với độ âm 1m và cao trình 2m nhằm tiêu hao năng lượng sóng từ xa; giảm xói lở, tạo phù sa, gây bồi tạo bãi, phát triển rừng ngập mặn.
Giá thành đầu tư cho hệ thống kè này gần 17 tỷ đồng 1km, trong khi các giải pháp truyền thống giá thành đầu từ trung bình là 20 tỷ đồng 1km. Kè bê tông thành mỏng cốt phi kim đã được triển khai tại nhiều địa phương ven biển miền Trung và miền Bắc, bước đầu có những ưu điểm nhất định.
Mặc dù chưa áp dụng thực tiễn tại ĐBSCL, nhưng các nhà khoa học đánh giá đây có thể là công nghệ triển vọng của tương lai. Nhất là trong bối cảnh sạt lở đang bủa vây ĐBSCL, khi có đến 24 khu vực thường xuyên bị xói lở trên tổng chiều dài khoảng 147km, gây mất đất trung bình mỗi năm khoảng 500ha.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!