Sáng nay (12/4), tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, lần đầu tiên một cuộc trưng bày quy mô lớn, với số lượng hiện vật nhiều nhất từ trước tới nay đã được giới thiệu tới công chúng, mang tên "Báu vật khảo cổ học Việt Nam".
Tại đây, trưng bày từ những phát hiện nhỏ lẻ về nền văn hóa sơ kỳ đá mới như Hòa Bình, Bắc Sơn đến bước đầu nghiên cứu văn hóa thời kim khí như Đông Sơn, Sa Huỳnh với chuyên đề đặc biệt. Qua góc nhìn khảo cổ học, công chúng trong nước, quốc tế được tiếp cận những câu chuyện văn hóa lịch sử Việt Nam.
Mộ cổ Châu Can - một trong những ngôi mộ cổ được bảo toàn nguyên vẹn nhất được phát hiện và khai quật. Đồ tuỳ táng gồm các công cụ bằng gốm, đồng, tre, nứa, gỗ... kể chuyện táng tục của cư dân văn hoá Đông Sơn niên đại cách đây khoảng 2.300 năm. Còn nền văn hóa Champa, qua hàng nghìn năm lịch sử, để lại khối di tích di vật đồ sộ về kiến trúc, điêu khắc đá không chỉ phản ánh thần thoại, tôn giáo mà còn thể hiện triết lý nhân sinh quan, tính thẩm mỹ của cư dân Champa. Hơn 300 hiện vật khảo cổ học tiêu biểu này, đại diện cho các nền văn minh có niên đại từ thời Tiền sử đến thời Lê Trung Hưng, được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia trong triển lãm chuyên đề đặc biệt "Báu vật khảo cổ học Việt Nam". Cuộc trưng bày này từng tổ chức thành công tại Đức.
Các hiện vật được giới thiệu theo 3 chủ đề: "Báu vật khảo cổ học thời tiền sử", "Báu vật khảo cổ học thời đại kim khí" và "Báu vật khảo cổ học lịch sử". Đây cũng là minh chứng cho sự phát triển của khảo cổ học Việt Nam qua hơn một thế kỷ. Sau năm 1954, các nhà khảo cổ tiếp tục nghiên cứu các nền văn hóa trong tiến trình lịch sử, đóng góp nguồn tư liệu bồi đắp cho giá trị văn hóa, cội nguồn lịch sử, bản sắc dân tộc. Dự kiến cuộc trưng bày "Báu vật khảo cổ học Việt Nam" sẽ kéo dài đến hết tháng 7.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!