Chắp mót từng miếng gỗ vỡ vụn để làm lồng bè, ngược xuôi vay tiền nóng để mua con giống, gần một năm sau bão, ông Nguyễn Văn Hợp (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) cũng chỉ mới nuôi lại được 30 ô lồng tôm hùm. Và chẳng biết đến bao giờ, trong tay của ông mới có được khối tài sản 100 ô lồng với 12.000 con tôm hùm như trước bão. Nếu được hỗ trợ thiệt hại thiên tai theo Nghị định 02, ông Hợp có thể nhận được 20 triệu đồng tính trên mỗi ô lồng tôm hùm. Số tiền đó sẽ đỡ đần ông rất nhiều.
Nuôi tôm hùm không theo vùng quy hoạch, thấy nơi nào có mặt nước ưng ý, người nuôi tôm hùm lại kéo lồng bè đến. Không ai nghĩ đến chuyện khai báo với chính quyền địa phương số tôm hùm mà họ đang nuôi. Cũng dễ hiểu, khi thiên tai hay dịch bệnh, mức thiệt hại của mỗi hộ nuôi là bao nhiêu là điều không ai có thể biết được.
Những vùng nuôi thủy sản vẫn còn đó những rủi ro chực chờ khi khối tài sản tiền tỷ của người dân lênh đênh trên lồng bè giữa biển. Nếu xảy ra rủi ro, những vướng mắc trong hỗ trợ thiệt hại chắc chắn sẽ lặp lại. Và rồi cuối cùng, hộ thiệt hại nhiều hay ít cũng phải chấp nhận khoản tiền hỗ trợ đồng đều như những gì mà họ đã nhận được trong những ngày qua.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!