Khổ vì... được mùa rau

Nguyễn Hùng - Trung Quyết - Thanh Xuân-Thứ bảy, ngày 02/03/2013 20:28 GMT+7

Rau rớt giá, nhiều nông dân trồng rau thua lỗ, phá bỏ ruộng rau làm thức ăn chăn nuôi. (Ảnh minh họa)

 Giá rau xanh tại chợ giảm mạnh khiến cho người nông dân tại các vùng chuyên canh rau dở khóc, dở cười. Bán rau không được, để rau không xong...

Gia đình nhà ông Lê Văn Sáng, thôn Tằng My, Nam Hồng, Đông Anh, Hà Nội trồng hơn 2 sào rau cải cúc, nhưng đến khi thu hoạch thì giá lại quá rẻ. Ông Sáng đành phải phá rau, chấp nhận lỗ gần 2 triệu tiền phân, giống và mất công toi 1 tháng trời chăm bón cải cúc.

Còn đối với 1 sào su hào, ông Sáng lo ngại nguy cơ phải bỏ 2/3 vì mã xấu, rau phát triển không đều. Xô đi bù lại thì cả vụ rau vừa rồi nhà ông vẫn lỗ gần 1 triệu đồng.

Ông Sáng cho biết: “Chợ bán bây giờ 1 nghìn đồng hoặc hơn 1 nghìn đồng/1 kg rau. Nhổ cả buổi sáng mới được mấy chục kg được vài chục nghìn thì không bõ công, không có lãi được. Giờ chỉ vứt bỏ làm thức ăn cho cá, hoặc làm phân cày cấy chứ không bán được”.

Quan sát tại các cánh đồng rau của người dân vào giờ phải ra đồng làm việc, thu hoạch rau, nhìn quanh cánh đồng thôn Tằng My này chỉ thấp thoáng vài người ra ruộng.

Rau không thu hoạch không còn giá trị giờ được vứt ngổn ngang. Nhiều ruộng, rau không được chăm sóc để cỏ mọc hoang. Gắn bó với nghề trồng rau nhiều năm, nhưng nhiều nông dân tại đây cho biết, chưa thấy năm nào rau bị bỏ phí như năm nay.

Những người trông rau ở đây cho biết hầu hết những loại rau ăn lá vụ này đều mất giá và bị phá bỏ làm thức ăn cho gia súc hoặc bỏ tại ruộng cho tốt đất. Thật phi lý khi rau thì không mất mùa nhưng những người trồng rau vẫn phải chấp nhận cảnh thất bát.

Xã Nam Hồng có hơn 800 héc ta rau màu. Người nông dân ở đây ai nấy đều ngậm ngùi cho vụ rau. Nhưng điều đáng nói là ông Phó chủ tịch xã Nguyễn Tiến Đức vẫn đánh giá vụ rau này thắng lợi: “Vụ Đông Xuân năm nay có thể nói là vụ thắng lợi, dân bán rau được giá cao hơn. Hiện tại có một số vùng dân phá để cấy cho kịp thời vụ. Họ cấy sớm để thu hoạch sớm, sau đó còn trồng sớm cấy rau vụ chiêm”.

Lãnh đạo xã nói "thắng lợi", nhưng những hình ảnh tại các ruộng rau lại chứng minh điều ngược lại. Không người nông dân nào lại nỡ dùng máy cày phá ruộng rau đã phải bỏ công bỏ của nếu rau đang được giá.

Sự bàng quan của chính quyền địa phương, dẫn đến thiếu quy hoạch cho các vùng chuyên canh rau đang khiến cho người nông dân vẫn phải sản xuất phụ thuộc vào may rủi. Tình trạng phá ruộng bỏ rau đau xót giống như nhiều ruộng rau tại thôn Tằng My không biết đến khi nào mới chấm dứt.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước