Khoa Phát thanh - Truyền hình đón nhận Huân chương Lao động Hạng Ba vì có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo và góp phần vào sự phát triển đất nước
Hôm nay (29/9), Khoa Phát thanh - Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã tổ chức Lễ kỷ niệm 40 thành lập (1979-2019) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Buổi lễ có sự tham dự của các thế hệ giảng viên, sinh viên Khoa Phát thanh - Truyền hình để cùng nhau ôn lại chặng đường 40 năm hình thành và phát triển.
Cách đây 40 năm, vào năm 1979, Khoa Phát thanh - Truyền hình thuộc Trường Tuyên huấn Trung ương (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chính thức ra đời với 6 giảng viên (gồm nhà giáo, nhà báo: Phan Thương Diễm, Nguyễn Hải, Vũ Đình Hương, Tạ Ngọc Tấn, Trần Văn Hoàn, Nguyễn Quốc Đạt).
Vượt qua những khó khăn nhiều mặt, nhất là về cơ sở vật chất và điều kiện thực hành, Khoa đã khởi đầu việc đào tạo các nhà báo chuyên ngành phát thành và truyền hình, đáp ứng nhu cầu của nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Năm 1983, Khoa sáp nhập vào Khoa Báo chí. Đến năm 2003, do những nhu cầu mới của thực tiễn, Khoa Phát thanh - Truyền hình được tái lập và phát triển như ngày nay.
Khoa Phát thanh - Truyền hình trao hoa kỷ niệm cho các thế hệ Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền giai đoạn 1979-nay
Khoa Phát thanh - Truyền hình trao hoa kỷ niệm cho các thế hệ giảng viên của khoa
Mặc dù trải qua những giai đoạn nhập, tách nhưng 40 năm qua, Khoa luôn thực hiện nhiệm vụ đào tạo các chuyên ngành báo chí có đặc thù "báo chí công nghệ", và đã trở thành một đơn vị đào tạo chuyên ngành phát thanh, truyền hình, báo mạng điện tử và quay phim truyền hình hàng đầu Việt Nam.
Đây được coi là cái nôi sản sinh ra nhiều thế hệ nhà báo, phóng viên, biên tập viên có trình độ kỹ năng cao. Vì vậy hiện nay, Khoa Phát thanh - Truyền hình có quy mô đào tạo lớn nhất Học viện Báo chí và Tuyên truyền cả về chuyên ngành đào tạo, cấp đào tạo và số lượng lớp, số lượng sinh viên, học viên. Khoa cũng là địa chỉ đào tạo sau đại học trình độ thạc sĩ, tiến sĩ báo chí có uy tín. Đội ngũ giảng viên của khoa với trình độ chuyên môn cao, nhiệt huyết, sáng tạo giúp sinh viên thoải mái và tự tin trong trao đổi và tạo ra những giờ học thú vị trên giảng đường.
Bên cạnh đó Khoa cũng có những cộng tác viên là các nhà báo, đạo diễn, quay phim, người dẫn chương trình có nhiều kinh nghiệm đang làm việc tại các cơ quan báo chí tham gia giảng dạy. Khoa cũng xác định nhiệm vụ nghiên cứu khoa học là một nhiệm vụ trọng tâm không tách rời nhiệm vụ đào tạo.
Ghi dấu mốc 40 năm thành lập, Khoa Phát thanh - Truyền hình vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba vì có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo và góp phần vào sự phát triển đất nước.
PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang, Trưởng khoa Khoa Phát thanh - Truyền hình phát biểu diễn văn kỷ niệm 40 năm thành lập khoa
Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang, Trưởng khoa Khoa Phát thanh - Truyền hình chia sẻ: "Trải qua 4 thập kỷ, với những biến động của thời cuộc, Khoa Phát thanh-Truyền hình vẫn vững vàng phát triển, có những đống góp to lớn đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung; đối với sự nghiệp giáo dục đại học và đào tạo báo chí của nước nhà nói riêng. Vì thế hôm nay, những thế hệ nhà giao, sinh viên, học viên, NCS, các vị khách quý của Khoa hội tụ về đây, dưới mái trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền thân yêu, cùng nhau nhìn lại một chặng đường 40 năm hình thành và phát triển của Khoa Phát thanh – Truyền hình".
"40 năm tuổi đời chưa là dài so với nhiều cơ sở đào tạo, nhưng 40 năm qua là 40 năm đầy tự hào của thầy trò Khoa Phát thanh – Truyền hình. Đây là dịp để nhìn lại, để chiêm nghiệm và từ đó tiếp tục vững tin, vững vàng bước tiếp về phía trước. Trong giai đoạn phát triển hiện nay của đất nước, chúng tôi hiểu rằng nhiệm vụ cốt lõi của mình là đào tạo, bồi dưỡng nên những nhà báo giỏi nghề, có tâm với nghề để quyết liệt đối diện và đấu tranh chống cái xấu, cái tiêu cực, đi ngược với sự phát triển. Bên cạnh đó, quan trọng không kém là trang bị cho những nhà báo tương lai ấy những kiến thức nền tảng của một xã hội đang vận động không ngừng, một xã hội dưới ảnh hưởng của toàn cầu hóa và của cách mạng công nghệ 4.0.
Mỗi sinh viên của chúng tôi được kỳ vọng sẽ là một con người nhân văn với đầy đủ các giá trị: Chia sẻ thương yêu, tôn trọng tập thể, đoàn kết cộng đồng, chủ động làm chủ vận mệnh của mình và quan tâm đến phát triển bền vững, bảo vệ môi trường cũng như thích ứng tốt với sự đa dạng của hệ sinh thái tự nhiên và xã hội. Với 40 năm lịch sử đầy tự hào, với sự dẫn dắt và định hướng của các thế hệ thầy cô đi trước, cùng với sức mạnh tuổi trẻ, sự xông xáo và trí tuệ của các giảng viên, sinh viên Khoa Phát thanh – Truyền hình hôm nay, chúng tôi mong ước và quyết tâm xây dựng một ngôi nhà Phát thanh – Truyền hình vững mạnh và đổi mới" - PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang nhấn mạnh.
Nhà báo Nguyễn Lâm Thanh - Giám đốc điều hành Kênh truyền hình Quốc gia VTV8, cựu sinh viên Khoa Phát thanh - Truyền hình chia sẻ xúc động tại lễ kỷ niệm
Kể từ khóa đào tạo đầu tiên đến nay, Khoa Phát thanh - Truyền hình đã đào tạo được khoảng 15.000 cử nhân hệ chính quy, cử nhân hệ tại chức, cử nhân văn bằng hai, Thạc Sĩ, Tiến sĩ. Sinh viên, học viên tốt nghiệp có khả năng làm việc ở nhiều lĩnh vực đời sống xã hội khác nhau như: Trong hệ thống Đảng, chính quyền các cấp; cán bộ nghiên cứu, giảng dạy báo chí – truyền thông tại các trường đại học, cao đẳng, cơ sở nghiên cứu; phóng viên, biên tập viên, đạo diễn, quay phim truyền hình, người dẫn chương trình… trong các cơ quan báo chí, các đài phát thanh- truyền hình…
Nhiều cựu sinh viên Khoa Phát thanh - Truyền hình đảm nhiệm vị trí lãnh đạo trong các cơ quan báo chí – truyền thông, từ trung ương đến địa phương; hoặc trở thành những giảng viên ưu tú, nhà nghiên cứu báo chí có uy tín trong các trường địa học, viện nghiên cứu hay trở thành những doanh nhân thành đạt trên thương trường…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!