Theo thống kê của Mạng lưới kiểm soát, buôn bán động thực vật hoang dã toàn cầu TRAFFIC, sự gia tăng nhu cầu sử dụng sừng tê giác đang đẩy loài này đến bờ vực tuyệt chủng, số vụ săn bắt trộm tê giác châu Phi gia tăng liên tục. Nếu như từ năm 2007, có 13 cá thể tê giác bị giết lấy sừng, thì chỉ 5 năm sau con số này đã tăng lên 668 cá thể. Chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm nay, đã có khoảng 200 cá thể tê giác bị giết. Nhiều quốc gia châu Á đang phải đối mặt với nạn săn bắt hoang dã ngày càng gia tăng.
Tại Việt Nam, cá thể tê giác Java cuối cùng đã bị săn bắt chết năm 2010 là cảnh báo đáng lo ngại về số phận các loài động vật hoang dã. Chiến dịch truyền thông lấy hình ảnh miêu tả một cá thể tê giác một sừng bị lấy đi, thay thế vào đó là hình ảnh bàn chân người nhằm khẳng định thông điệp: Sừng tê giác giống hệt như thành phần trong móng tay, móng chân người, chúng cũng không có tác dụng chữa bệnh hay giải rượu, giải độc như quan niệm của nhiều người.
Trong vòng 1 tháng cao điểm của chiến dịch, sẽ có nhiều hoạt động như: Chiếu phim, tuyên truyền, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về bảo tồn động vật hoang dã. Mỗi người dân không sử dụng sừng tê giác, cũng như các sản phẩm từ các loài động vật hoang dã là góp phần bảo vệ đa dạng sinh học, vì cuộc sống của chính con người.