Không có hộ khẩu, người dân vẫn “chảy” về thành phố lớn

PV (Tổng hợp)-Thứ tư, ngày 13/05/2020 13:00 GMT+7

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu (Ảnh: TTXVN)

VTV.vn - Dù điều kiện “nhập hộ khẩu” tại các thành phố trực thuộc TƯ chặt chẽ hơn nhưng tình trạng gia tăng dân số cơ học, di dân từ các tỉnh đến các thành phố lớn vẫn rất cao.

Ngày 12/5, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 28 thẩm tra dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Theo Tờ trình của Chính phủ do Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc trình bày, dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) thay thế việc quản lý cư trú (thường trú, tạm trú) từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang phương thức quản lý hiện đại bằng công nghệ thông tin.

Quản lý bằng việc sử dụng mã số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chạy trên mạng Internet. Thông tin về nơi thường trú, nơi tạm trú của mỗi công dân đều là trường thông tin dữ liệu số được cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã bỏ các quy định về: Sổ hộ khẩu, Sổ hộ khẩu cấp cho hộ gia đình, Sổ hộ khẩu cấp cho cá nhân, tách Sổ hộ khẩu, giấy chuyển hộ khẩu, điều chỉnh những thay đổi trong Sổ hộ khẩu tại Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013). 

Không có hộ khẩu, người dân vẫn “chảy” về thành phố lớn - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc phát biểu (Ảnh: TTXVN)

Tại phiên họp, nhiều đại biểu bày tỏ sự thống nhất cao, đánh giá cao cách tiếp cận theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để đổi mới quản lý, giúp đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ, tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm chi phí hành chính cho công dân. Đồng thời, việc ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại cũng giúp công tác quản lý dân cư chặt chẽ, thực chất, hiệu quả hơn.

Liên quan đến việc bỏ điều kiện đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc trung ương (Điều 21), qua thảo luận, đa số ý kiến tán thành quy định công dân có chỗ ở hợp pháp ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào thì được đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đó. 

Việc bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương sẽ bảo đảm tốt hơn quyền tự do cư trú của công dân đã được Hiến pháp ghi nhận. Mặt khác, tuy Luật Cư trú hiện hành và Luật Thủ đô quy định điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương chặt chẽ hơn nhằm kiểm soát việc gia tăng dân số cơ học tại các địa phương này, nhưng thực tế không đạt hiệu quả như kỳ vọng.

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Thanh Hồng, thực tế, các điều kiện nhập cư mang tính hành chính không hạn chế được việc nhập cư. Việc đặt ra quy định về đăng ký thường trú, tạm trú ở các địa bàn này cũng tạo tâm lý kỳ thị của một bộ phận người dân. Bên cạnh đó, việc bỏ điều kiện đăng ký thường trú ở thành phố trực thuộc trung ương có thể làm phức tạp thêm một số vấn đề an ninh trật tự, tội phạm, giao thông… nhưng về mặt tổng thể sẽ kích cầu thị trường lao động, thị trường bất động sản...

Ủy viên Ủy ban Pháp luật Đào Tú Hoa cho rằng cần cân nhắc khi bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương của Luật Cư trú hiện hành và Luật Thủ đô bởi nguy cơ nhập cư tự do, gây quá tải đối với hạ tầng và phức tạp về an ninh, trật tự tại các thành phố lớn.

Theo đại biểu, đây là việc rất lớn, không chỉ ảnh hưởng đến điều kiện sinh sống, làm việc, học tập của người dân mà lớn hơn là đến an ninh trật tự của thành phố, đặc biệt là với Thủ đô - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước. Ngoài ra, yêu cầu đặt ra là không chỉ thực hiện việc tự do cư trú mà còn phải đảm bảo hài hòa an ninh xã hội, chất lượng cuộc sống của người dân. Do đó, đại biểu cho rằng chưa có cơ sở để quyết định việc sửa đổi như đề xuất trong dự thảo Luật.

Không có hộ khẩu, người dân vẫn “chảy” về thành phố lớn - Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự phiên họp của UB Pháp luật bằng hình thức trực tuyến.

Tán thành với quy định của dự thảo Luật về việc bổ sung các trường hợp xóa đăng ký thường trú nhằm khắc phục tình trạng quản lý cư trú “ảo”, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về cư trú trong điều kiện hiện nay; đồng thời, cũng giúp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của công dân trong việc đăng ký tạm trú, khai báo tạm vắng, song Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cũng đề nghị cân nhắc trường hợp công dân vắng mặt tại nơi thường trú từ trên 12 tháng liên tục mà không đăng ký tạm trú ở nơi nào hoặc không khai báo tạm vắng với Công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú.

Giải trình tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc cho biết: Về số định danh, Ban soạn thảo đã xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương về các trường thông tin để đảm bảo kết nối đồng bộ sau khi số định danh này đi vào hoạt động và được chia sẻ. Các đơn vị cơ bản đồng tình với ý kiến của Ban soạn thảo. Do đó, việc chia sẻ của các bộ, ngành, địa phương về các trường thông tin đã có bước chuẩn bị và đảm bảo các yêu cầu để tiến hành đồng bộ.

Ban soạn thảo cũng sẽ tiếp tục rà soát, đảm bảo không bị chồng chéo với các luật khác, giải quyết được các yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đồng thời bổ sung thêm một số ý kiến như khai báo tạm vắng rồi có khai báo tạm trú không, khai báo tạm trú rồi có khai báo tạm vắng hay không…

Kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá cao sự chuẩn bị của cơ quan chủ trì soạn thảo và cho biết qua thảo luận, Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Cư trú, cơ bản nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu tại phiên họp thẩm tra tiếp tục hoàn thiện các báo cáo, hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật để trình uốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 tới.

Đề xuất xóa hộ khẩu với người không khai báo Đề xuất xóa hộ khẩu với người không khai báo

VTV.vn - Bộ Công an đề xuất ai vắng mặt tại địa phương 12 tháng liên tục và không khai báo với cơ quan quản lý sẽ bị xóa tên trong hộ khẩu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước