Tuần qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu tỉnh Lai Châu tăng cường quản lý an toàn đối với rượu sau vụ ngộ độc rượu làm 9 người thiệt mạng trong tháng trước. Còn vào giữa tuần này, 7 nam thanh niên ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc đã phải nhập viện cấp cứu có dấu hiệu ngộ độc rượu có chứa methanol, trong đó 2 người đang trong tình trạng nguy kịch.
Trước hàng loạt vụ việc ngộ độc rượu, báo Người Lao động đã có một loạt bài phóng sự tìm hiểu về việc sản xuất rượu "siêu tốc" theo phương pháp thủ công ở ĐBSCL. Theo tờ Người Lao động, những loại rượu độc được nấu tốc hành – thậm chí là không cần nấu. Còn người bán thì không dám uống!
Theo chia sẻ của một người nấu rượu, muốn kiếm lời cao thì phải nấu loại rượu dùng men "tốc hành" của Trung Quốc mà không phải men truyền thống. Vừa đỡ tốn công sức, lại cho ra được nhiều rượu trong thời gian ngắn. Tuy nhiên loại rượu này chứa nhiều độc tố, người này sau đó đã bỏ nghề vì thấy thất đức quá.
Các loại men "tốc hành" không rõ nguồn gốc đang được bày bán ở nhiều nơi tại các chợ của TP.HCM
Đáng chú ý là theo tìm hiểu tại các chợ ở TP.HCM, các loại men "tốc hành" trên đều không rõ nguồn gốc và được bày bán ở nhiều nơi.
Trước tình trạng đáng báo động này, nhiều người đã đặt ra câu hỏi, cơ quan quản lý ở đâu mà để tình trạng này kéo dài từ năm nay sang năm khác.
5 năm trước, Chính phủ đã ban hành nghị định quy định chặt chẽ mọi khâu từ cấp phép, sản xuất, quản lý chất lượng tới phân phối lưu thông và tiêu thụ rượu. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra trên thị trường rượu cho thấy những quy định này dường như đã bị các cơ quan quản lý ở địa phương quên lãng.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!