Hiện nay, lượng rượu được tiêu thụ trên thị trường chủ yếu là rượu nhập khẩu qua đường chính ngạch và đường mậu biên, rượu của các doanh nghiệp sản xuất có đăng ký chất lượng và dán tem rượu nội địa, rượu từ các cơ sở sản xuất, hộ gia đình, làng nghề, hợp tác xã…
Riêng với rượu sản xuất và tiêu thụ trong nước, từ năm 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định 94 về sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu và cồn thực phẩm trong đó có quy định rõ toàn bộ rượu sản xuất và tiêu thụ trong nước phải được dán tem và phải đăng ký bản công bố hợp quy về chất lượng. Quy định này áp dụng cho toàn bộ rượu sản xuất trong nước bao gồm cả sản phẩm của các làng nghề, HTX, các tổ chức cá nhân sản xuất rượu thủ công. Tuy nhiên, 5 năm qua, không nhiều đơn vị sản xuất rượu chấp hành quy định này.
Theo thống kê của Hiệp hội Rượu bia nước giải khát, 80% lượng rượu hiện nay được tiêu thụ trên thị trường không được dán tem thuế. Theo đó, một khoản thuế lớn bị thất thu và 80% lượng rượu này cũng không được kiểm soát về chất lượng. Đây là vấn đề đáng được quan tâm sau những vụ ngộ độc rượu cấp tính xảy ra thời gian qua và lo ngại về những tổn hại sức khỏe về lâu dài khi sử dụng rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Một đợt kiểm tra rượu do tư nhân tự sản xuất.
"Trong những đợt chúng tôi đi xử lý, thu giữ rượu ở các làng nghề, bản thân những người bị xử lý khai trong biên bản kiểm tra rằng họ đã pha 15% cồn công nghiệp methanol vào rượu. Bởi lẽ, khi nấu, rượu chỉ đạt 30 độ nhưng khi pha lượng cồn công nghiệp, độ rượu lên tới trên 40 độ.
Cần mở rộng các đợt kiểm tra ở các tỉnh ven Hà Nội do phát hiện lượng lớn rượu không rõ nguồn gốc đưa về Thủ đô. Ví dụ, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội từng thu giữ 66 phuy tương đương 10.000 lít rượu từ Bắc Ninh đưa về Hà Nội, hay vận chuyển từ Bắc Giang về. Do đó, cần phải triển khai đồng bộ", đại diện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho hay.
Thực tế cũng cho thấy, nhiều loại rượu thậm chí còn bị dán tem giả để lừa người tiêu dùng. Trong khi đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, rượu truyền thống chưa hẳn đã "có lỗi". Những vụ ngộ độc rượu methanol phần nhiều do người sản xuất thiếu đạo đức, tự ý pha chế cồn công nghiệp methanol vào rượu và bán ra thị trường kiếm lời. Điều quan trọng là các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa, đồng thời đạo đức của người sản xuất rượu cần được cải thiện hơn nữa để tránh xảy ra những vụ ngộ độc vì rượu chứa cồn công nghiệp methanol.
Trong thời gian gần đây, nhiều vụ ngộ độc rượu pha methanol đã xảy ra trong đó có vụ hàng chục người ở huyện Phong Thổ, Lai Châu nhập viện và 9 người tử vong. Chỉ tính trên địa bàn Hà Nội, từ ngày 26/2 đến 11/3 có 24 trường hợp ngộ độc rượu methanol, trong đó có 2 trường hợp tử vong, đáng chú ý là vụ 12 sinh viên quê Gia Lai ở quận Cầu Giấy, Hà Nội phải nhập viện vì ngộ độc rượu chứa methanol.
Mới nhất, trong ngày 23/3, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, 7 thanh niên ở thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc nhập viện do nghi ngờ bị ngộ độc methanol sau bữa liên hoan.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!