Dù nằm trong top đầu, có mức tăng trưởng ấn tượng xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc, nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế so với các nước ASEAN về xuất khẩu nông sản chính ngạch, có thương hiệu. Từ đó khó tránh khỏi tình trạng bấp bênh cho nông sản Việt Nam, nhất là gần đây hàng loạt nông sản xuống giá, khiến nông dân lao đao.
Vậy đâu là nguyên nhân giúp hàng nông sản có thương hiệu của nhiều nước ASEAN xuất vào Trung Quốc và được người tiêu dùng tại thị trường đông dân nhất thế giới ưa chuộng?
Tại một hội chợ thực phẩm hàng đầu thế giới ở Trung Quốc, các gian hàng nông sản chế biến của Thái Lan lúc nào cũng tấp nập khách.
Nói đến sầu riêng, giờ đây người Trung Quốc nhớ ngay sầu riêng Thái. Nhờ xuất khẩu chính ngạch mà giá bán rất cao. 1kg cơm sầu riêng đông lạnh Thái có giá từ 400 - 700 Nhân dân tệ, tương đương 1.400.000 - 2.400.000 đồng.
Thái Lan, Indonexia, Malaysia, Philippines đang tận dụng các cơ hội để quảng bá thương hiệu nông sản quốc gia của mình tại thị trường Trung Quốc. Với Thái Lan đó là sầu riêng, xoài, gạo, dừa, măng cụt. Philippines là chuối, dứa... Quan niệm Trung Quốc là thị trường dễ tính đã không còn đúng nữa.
"Những tiêu chuẩn về nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Trung Quốc ngày càng được siết chặt và đòi hỏi khó hơn. Vì thế các doanh nghiệp Việt Nam cũng như các nước muốn vào Trung Quốc thì cũng phải nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn đó" - ông Tưởng Hiểu Phi, Quản lý Công ty phân phối Bách Liên Ưu An, Thượng Hải, Trung Quốc, cho biết.
Dù rất nhiều nông sản của Việt Nam nằm trong top đầu như: cà phê, gạo, thủy sản, nhưng rất hiếm các sản phẩm có thương hiệu và vào được các hệ thống phân phối lớn tại Trung Quốc.
Nếu ở Việt Nam, những trái chanh leo bán được 7.000 - 14.000 đồng/kg, nhưng tại Trung Quốc có thể bán được gấp 10 - 20 lần. Những loại nông sản khác cũng vậy, nếu Việt Nam xuất khẩu chính ngạch và làm ăn bài bản hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!