Lạm dụng quy hoạch để lập quá nhiều quy hoạch không cần thiết đang diễn ra ở nhiều nơi. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có không ít lĩnh vực chỉ cần xây dựng các đề án hoặc tiêu chí để quản lý nhưng nhiều Bộ ngành và địa phương đã lập hẳn thành quy hoạch gây lãng phí nguồn lực, hạn chế người dân tham gia đầu tư kinh doanh.
Số liệu thống kê mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, cả nước hiện có gần 20.000 bản quy hoạch các loại, riêng kinh phí làm ra các bản quy hoạch này trong giai đoạn 2011 - 2020 đã lên tới gần 8.000 tỷ đồng. Quy hoạch nhiều nhưng chồng chéo, không hiệu quả đang hạn chế sự phát triển của chính những ngành nghề, lĩnh vực được quy hoạch.
Để khắc phục thực trạng này, dự thảo Luật Quy hoạch đã ghi nhận những ngành nghề, sản phẩm không gắn với mặt đất, không gian, tài nguyên... chuyển sang đề án, chương trình thay vì làm quy hoạch. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là: "Nếu không quản lý bằng quy hoạch thì sẽ quản lý như thế nào đối với các lĩnh vực, sản phẩm này?".
Những công cụ được nhắc tới là: tiêu chuẩn, tiêu chí về thương mại theo các chuẩn mực của quốc gia và quốc tế mà Việt Nam đang áp dụng. Ngoài ra còn có các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, sức khỏe... Trên cơ sở điều kiện này, người dân và doanh nghiệp sẽ chủ động xây dựng và điều chỉnh hoạt động của mình trong khuôn khổ và các tín hiệu thị trường. Chính nhờ việc chuyển đổi từ quản lý bằng quy hoạch sang quản lý bằng các điều kiện, tiêu chuẩn một cách công khai, minh bạch sẽ tạo điều kiện cho các ngành, nghề lĩnh vực phát triển hợp lý hơn và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online.