Sau sự cố lợn bị tiêm thuốc an thần, lò mổ Xuyên Á tại TP.HCM phải ngừng hoạt động. Ngay sau đó, thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động liên kết với các tỉnh để tìm lò mổ đảm bảo nguồn cung thịt lợn cho thị trường. Tuy nhiên, giải pháp này không nhận được sự ủng hộ của các thương lái, khiến thị trường thịt lợn TP.HCM gặp nhiều khó khăn.
Lò mổ Xuyên Á mỗi ngày đêm giết mổ đến một nửa số lợn tiêu thụ tại TP.HCM, tức khoảng 5.000 con, vì vậy khi lò mổ này đóng cửa, hàng trăm thương lái đã giảm kinh doanh, chỉ mua bán lợn cầm chừng để giữ mối thân quen.
Để thay thế cho lò mổ Xuyên Á tại TP.HCM đóng cửa, Sở Nông nghiệp Đồng Nai đã rà soát và bổ sung 5 lò giết mổ có thể tiếp nhận giết mổ gần 2.000 con/ngày. Điều trớ trêu, những lò mổ tại vùng nguyên liệu lại không đáp ứng được yêu cầu vận chuyển nhanh từ lò mổ tới chợ đầu mối tiêu thụ tại TP.HCM.
Hiện TP.HCM còn 14 cơ sở giết mổ lợn được cấp phép đang hoạt động nhưng không đáp ứng được nhu cầu giết mổ của người dân. Các địa phương cũng tính tới phương án đưa các lò mổ thủ công đã bị đóng cửa vào hoạt động trở lại. Tuy nhiên, kế hoạch này không khả thi vì theo lộ trình thành phố cấm tất cả các lò mổ thủ công trên địa bàn phải đóng cửa từ năm 2018. Còn với người chăn nuôi, tới ngày xuất chuồng nhưng thương lái bẻ kèo không thu mua hoặc chỉ mua một phần rất nhỏ trong cả lứa lợn.
Từ khi lò mổ Xuyên Á bị đóng cửa hơn 1 tháng nay, điều bất thường này đang diễn ra khá phổ biến tại Đồng Nai, thủ phủ chăn nuôi lớn nhất cả nước. Giá lợn liên tục lao dốc khiến một con lợn bán ra nông dân đang bị lỗ gần 1 triệu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!