Luật cư trú có hạn chế quyền nhập cư của công dân?

Thu Huyền - Hồng Hạnh -Thứ bảy, ngày 25/05/2013 07:53 GMT+7

 Dự thảo Luật cư trú với những quy định nhằm hạn chế tình trạng nhập cư của người dân vào 5 đô thị lớn của cả nước. Nhiều người tỏ ra băn khoăn trước việc hạn chế nhập cư vào các đô thị lớn liệu có làm ảnh hưởng đến quyền cư trú của công dân hay không khi nhu cầu cần nhập cư vào các đô thị lớn hàng năm vẫn không giảm. Bên lề các cuộc thảo luận, các đại biểu quốc hội (ĐBQH) đã đưa ra nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này.

Các đại biểu cho rằng Dự thảo Luật cư trú đã có nhiều quy định chặt chẽ hơn trong việc hạn chế nhập cư vào các đô thị lớn, bởi tình trạng quá tải ở các đô thị vẫn đang có xu hướng gia tăng. Chỉ lấy ví dụ từ Thủ đô Hà Nội, tính đến tháng 10/2011, số nhân khẩu thường trú ở 10 quận nội thành Hà Nội là hơn 2,2 triệu nhân khẩu so với hơn 6,4 triệu nhân khẩu của 29 quận, huyện toàn thành phố. Sự mất cân đối này không chỉ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các cư dân Thủ đô khi không được đảm bảo các quyền lợi tối thiểu về nơi ăn chốn ở mà còn làm ảnh hưởng đến việc quản lý hành chính của chính quyền địa phương.

Bà Bùi Thị An - ĐBQH TP Hà Nội có ý kiến: “Trong luật cư trú mới có một số điều quy định khắt khe hơn, nhưng theo tôi nghĩ rằng đấy là sự cần thiết cho các sự quản lý của các đơn vị hành chính cụ thể. Bởi vì, trong giai đoạn vừa rồi, đất nước ta đã tham gia vào quá trình hội nhập và nền kinh tế thị trường nên rất nhiều người có thể đến, đi, ở, sinh sống cũng như thực hiện các hoạt động kinh tế nên nảy sinh rất nhiều vấn đề. Do đó, luật cư trú này sẽ tạo điều kiện để quản lý tốt hơn, tạo điều kiện cho mọi người làm việc khác tốt hơn trong đó có liên quan đến việc kinh doanh và phát triển kinh tế”.

‘ Ảnh minh hoạ

Tuy nhiên, một số đại biểu cũng bày tỏ sự quan tâm tới thực tế là hiện vẫn còn rất nhiều người có nguyện vọng được sinh sống và làm việc tại Thủ đô hay các đô thị lớn, nhưng có thể sẽ bị đạo Luật này hạn chế quyền được nhập hộ khẩu thường trú. Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng việc siết chặt quyền của một bộ phận dân cư nhưng lại nhằm đảm bảo quyền lợi của một bộ phận dân cư khác hoàn toàn có thể chấp nhận được.

Ông Lê Thanh Vân, ĐBQH TP Hải Phòng cho rằng: “Chúng ta phải xem xét cái tương quan của việc bị hạn chế một số quyền nhưng được một số yếu tố tự do cho người khác là cần thiết và tôi thấy đấy chính mối quan hệ tương tác giữa quyền và nghĩa vụ. Ở vùng quê, đất đai rộng, anh có thể xây dựng nhà cửa thoải mải được. Nhưng ở đô thị, với một mặt bằng nhỏ bé, chật chội thì không. Thế nên, đặc thù quản lý của đô thị khác đặc thù quản lý nông thôn hay các vùng khác. Vi vậy, quyền cư trú cũng theo logic đó, nó có 1 đặc thù riêng là không hạn chế một số quyền để đảm bảo sự quá tập trung dân cư về đô thị. Nếu một thành phố để cho dân cư thoải mái nhập về, để đến lúc cái quản lý đô thị nó không đủ sức gánh đỡ như hạ tầng về cư trú, nhà ở không có, nhà ở gầm cầu, ổ chuột… thì Luật cư trú mới thực chất hạn chế nhưng bảo đảm quyền công dân cho họ”.

Ông Trần Ngọc Vinh, ĐBQH TP Hải Phòng kiến nghị: “Chúng ta phải tính một cách nào đó có tính dài hạn. Chúng ta nên chuyển các nhà máy, bệnh viện, trường học ra các khu phụ cận ngoại thành mới đảm bảo mong muốn giãn dân và đó mới là phương pháp đồng bộ”.

Hàng năm, các đô thị lớn vẫn đón nhận các hàng chục ngàn người nhập cư đến sinh sống và làm việc. Đây là nhu cầu thực tế của người dân và cả doanh nghiệp. Do vậy, các ĐBQH cũng cho rằng bên cạnh những quy định của Luật cư trú thì 5 đô thị lớn của cả nước là Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ cũng cần tính đến các giải pháp đặc thù để bảo đảm quyền lợi của những người có nhu cầu sinh song và làm việc thực sự lâu dài tại đây.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước