Tuần qua, khoảng 3.500 cây thông tại huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đông bị triệt hạ bởi thuốc diệt cỏ vừa bị phát hiện. Lãnh đạo địa phương nhận định, đây là vụ hủy hoại rừng rất nghiêm trọng. Việc hủy hoại có tổ chức và diễn ra trong thời gian dài; chủ yếu lấy đất để sản xuất nông nghiệp.
Với hàng tít trên trang nhất "Bức tử rừng thông để chiếm đất", tờ Tuổi trẻ dẫn số liệu từ Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNN cho biết, trong 5 năm từ 2013 - 2018, có khoảng 90.000 ha rừng tỉnh Lâm Đồng đã mất, trong đó chủ yếu là rừng thông. Riêng tại khu vực huyện Lâm Hà, từ năm 2018 đến nay đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ phá rừng với mục đích chiếm, giành đất.
Trước tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Công an vào cuộc vụ việc hàng nghìn cây thông bị đầu độc chết ở tỉnh Lâm Đồng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/5 tới.
Tại một câu chuyện khác cũng liên quan đến môi trường, dòng sông Dương Đông dài hơn 20km, chảy vắt ngang đảo Phú Quốc theo chiều Đông – Tây cũng đã "chết" vì ô nhiễm.
Tờ Tuổi trẻ cho biết, ô nhiễm tại sông Dương Đông do nhiều nguyên nhân. Nhưng nguyên nhân chính là do lượng bùn tích tụ dưới đáy sông quá nhiều năm. Đây đều là chất thải sinh hoạt, sản xuất của hàng ngàn hộ dân cùng hàng trăm doanh nghiệp dọc hai bờ sông thải ra hàng chục năm nay.
Trong bài viết "Một dòng sông "qua đời" và một rừng thông "tử nạn"", tờ Lao động đã làm một phép so sánh đảo Phú Quốc - nơi có diện tích tương đương với Đảo quốc Singapore. Thế nhưng, Singapore đã biến hòn đảo của họ thành địa chỉ xanh, sạch bậc nhất thế giới, còn Phú Quốc trở thành hòn đảo "rác".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!