Tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nước ngọt luôn là một nguồn tài nguyên vô cùng khan hiếm. Chủ yếu các chiến sĩ phải sử dụng nước mưa, nhưng vào những thời điểm mùa khô, mưa lại vô cùng hiếm.
Nước cho người đã thiếu, nước cho rau lại càng thiếu hơn. Nắm bắt được thực tế đó, mới đây, có những người trẻ đã lần đầu tiên mang ra Trường Sa ứng dụng mô hình mới: mô hình canh tác rau an toàn tiết kiệm nước tưới.
Phát minh của anh Phan Thanh Sang về rau an toàn tiết kiệm nước tưới. Điểm độc đáo của mô hình này là sử dụng một loại rêu rừng có khả năng giữ nước rất tốt. Ngâm rêu vào nước sau đó trộn cùng với đất sẽ giúp đất tăng độ ẩm, đồng thời sử dụng màng phủ cùng lưới xám che mát cung cấp ánh sáng vừa đủ và hạn chế bốc hơi nước. Việc áp dụng mô hình này sẽ có thể giúp tiết kiệm lượng nước ngọt để tưới rau lên tới 50-70%.
Trên đảo, nguồn nước ngọt chủ yếu đến từ nước mưa, trung bình tại đảo này mỗi chiến sĩ được cấp 20 lít nước ngọt một ngày. Vậy nên phải rất tiết kiệm, nước dùng cho vo gạo, rửa rau, xong tắm giặt rồi cuối cùng thì mới dùng để tưới cho rau. Thời điểm hạn hán còn phải tưới rau luôn bằng nước lợ. Do vậy, việc ứng dụng mô hình rau tiết kiệm nước tưới này mang tới một ý nghĩa rất lớn.
Không chỉ giúp tiết kiệm nước tưới rau, những tấm bẫy dính côn trùng và một số công nghệ canh tác đã được chuyển giao cho chiến sĩ trên đảo. Những vật tư này sẽ tiếp tục được Phan Thanh Sang gửi tặng chiến sĩ qua các chuyến tàu khác của đất liền tới thăm Trường Sa.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!