Mỗi năm Việt Nam xả ra biển tới 0,5 triệu tấn rác thải nhựa. Việt Nam đang là nước đứng thứ 4 thế giới về lượng rác thải nhựa xả ra biển, chỉ sau Trung Quốc, Indonesia và Philippines. Tại một số vùng biển ở nước ta, trong mỗi mẻ lưới kéo lên, cứ 3 phần cá thì có 1 phần rác thải nhựa.
Trên thực tế, đa số người dân đều biết việc sử dụng túi nylon là có hại cho môi trường nhưng họ vẫn dùng và việc sử dụng này ngày càng nhiều. Chỉ một phần nhỏ trong số rác thải nhựa nói trên được thu gom, tái chế, còn lại được chôn lấp cùng với rác thải hoặc vứt bỏ ở khắp nơi. Biển là một trong những điểm đến cuối cùng của túi nylon.
Việc rác thải nhựa tấn công môi trường biển không còn là mối đe dọa mà là thực tế trước mắt, gây tác động ngược lại đối với chính người dân. Tác hại nguy hiểm nhất của túi nylon chính là tính chất rất khó phân hủy, có thể tồn tại hàng trăm năm, gây ô nhiễm môi trường, đe dọa các hệ sinh thái.
Khi đã được xả ra biển, rác thải nhựa phải mất tới hơn 400 năm để có thể phân hủy. Theo thống kê, cứ mỗi phút trôi qua lại có hơn 1.000 chiếc túi nylon được tiêu thụ. Việc hạn chế, tiến tới không còn rác thải nhựa đang là biện pháp khẩn thiết để bảo vệ đại dương và cũng chính là bảo vệ tương lai của thế hệ mai sau. Nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang tuyên chiến với rác thải nhựa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!