Sau nhiều thập kỷ đạt được những thành tựu nổi bật về xóa đói giảm nghèo, sự gia tăng trở lại của nạn đói trên toàn thế giới đang khiến cho mục tiêu chấm dứt nạn đói và suy dinh dưỡng vào năm 2030 của Liên Hợp Quốc đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Một hội thảo quy mô toàn cầu với chủ đề "Tăng tốc nỗ lực chấm dứt nạn đói và suy dinh dưỡng" đã khai mạc tại Bangkok - Thái Lan, do Tổ chức Nông Lương LHQ (FAO) và Viện nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế tổ chức. Việt Nam mặc dù đã đạt được những thành tựu xóa đói được quốc tế công nhận, song cũng không thể chủ quan trước cảnh báo này.
Báo cáo của FAO và các tổ chức LHQ cho thấy, toàn thế giới hiện có khoảng 820 triệu người đang bị đói và thiếu dinh dưỡng. Đây là năm thứ ba liên tiếp chứng kiến sự gia tăng số lượng người đói và suy dinh dưỡng, lên con số bằng với cách đây 10 năm. Bước lùi này khiến cho mục tiêu chấm dứt hoàn toàn nạn đói vào năm 2030 của LHQ đối mặt với nguy cơ không thể hoàn thành đúng hạn.
Ông Kosta Stamoulis - Trợ lý Tổng giám đốc Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hợp Quốc cho rằng: "Chúng ta không những phải đảo ngược tình trạng gia tăng tỉ lệ người đói và thiếu dinh dưỡng mà còn phải đẩy nhanh quá trình xóa đói. Bởi nếu muốn thực hiện mục tiêu chấm dứt nạn đói và thiếu dinh dưỡng vào năm 2030 thì trong vòng 12 năm tới, mỗi ngày chúng ta phải đưa 185.000 người thoát khỏi tình trạng này".
Tại phiên khai mạc, hàng trăm đại biểu bao gồm đại diện cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức quốc tế và chuyên gia đến từ các châu lục đã chia sẻ kinh nghiệm của một số quốc gia, đồng thời nhận diện thách thức và xác định những hành động cần thiết để tăng tốc quá trình xóa bỏ hoàn toàn nạn đói và suy dinh dưỡng. Việt Nam cũng được nhắc đến như một trong những điển hình thành công trong nỗ lực chống lại đói nghèo.
Ông Shenggen Fan - Giám đốc Viện nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế tổ chức chia sẻ: "Có 3 cách để tăng tốc nỗ lực xóa đói. Thứ nhất là chiến lược của các quốc gia. Chúng ta có thể thấy Việt Nam, Trung Quốc hay Rwanda đã làm rất tốt chiến lược phát triển nông nghiệp để xóa đói và suy dinh dưỡng; thứ hai là các chính sách, chương trình và các tổ chức cùng tăng tốc. Cuối cùng là áp dụng khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất và chế biến lương thực".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!