Theo thống kế của cơ quan chức năng, thời điểm đầu năm 2019 đến nay, Hà Nội không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, các lực lượng kiểm tra, kiểm soát thực phẩm vẫn không hề lơi là công tác, đặt biệt là vào thời điểm diễn ra lễ hội Xuân, khi thực phẩm bẩn, không đảm bảo an toàn vệ sinh dễ dàng được tiêu thụ vì nhu cầu tăng cao của người dân.
Lãnh đạo phòng Cảnh sát Môi trường Công an TP Hà Nội cho biết, ở thời điểm hiện tại, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thực phẩm rất cao, đây là cơ hội cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng hóa không đảm bảo nguồn gốc, ATTP tuồn hàng tiêu thụ. Không chỉ riêng các thành phố lớn như Hà Nội mà ngay nhiều tỉnh, thành trên cả nước, tình trạng thực phẩm bẩn thừa dịp trà trộn, len lỏi được đưa vào thị trường bán cho người tiêu dùng trở nên phổ biến.
Thực hiện đợt cao điểm trấn công, trấn áp các loại tội phạm trước, trong và đặc sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 của Ban Giám đốc CATP và trước thực tế trên, phòng Cảnh sát Môi trường đã triển khai nhiều kế hoạch, chuyên đề tập trung đấu tranh những vi phạm trong lĩnh vực ATTP; đồng thời chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng của thành phố kiểm tra, xử lý triệt để các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP, trong đó có công tác phối hợp bảo vệ lễ hội chùa Hương.
Lực lượng chức năng đã tăng cường hàng trăm lượt cán bộ cảnh sát phối hợp tham gia bảo vệ lễ hội chùa Hương, đồng thời hóa trang, trinh sát nắm tình hình, tham gia đoàn công tác thường xuyên tiến hành kiểm tra vệ sinh ATTP các nhà hàng kinh doanh ăn uống trong khu vực lễ hội. Trong quá trình thực hiện nhiệm cụ, phòng Cảnh sát Môi trường cho biết, rất nhiều nhà hàng sử dụng các tiểu xảo để qua mặt cơ quan chức năng, chế biến và sản xuất các mặt hàng thực phẩm với các công đoạn được thực hiện hết sức tinh vi như tẩm ướt, tẩy xóa, tin dán lại nhãn mác và hạn sử dụng sản phẩm...
Sau nhiều ngày hướng dẫn, chấn chỉnh, kiểm tra và giám sát, các hộ kinh doanh ăn uống tại lễ hội, đặc biệt là lễ hội chùa Hương đã có sự chuyển biến rõ ràng về ý thức, không còn bày bán hàng hóa bên lề đường, không có kính chắn như trước. Các chủ nhà hàng đều được tập huấn, cấp Giấy chứng nhận bảo đảm vệ sinh ATTP, biển hiệu và tủ quầy được ghi tên, lắp đặt đồng bộ theo quy định. Thực phẩm được bày trong tủ kính chống bụi và ruồi bọ, bảo quản giữ gìn vệ sinh.
Công tác kiểm tra, kiểm soát, tuyên truyền và hướng dẫn các hộ kinh doanh vẫn sẽ tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng tổ chức tuyên truyền ATTP đối với người tiêu dùng, để người dân thực sự lưu tâm đến nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, nâng cao cảnh giác và tẩy chay thực phẩm không đảm bảo an toàn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!