60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ là tuổi về hưu lâu nay chúng ta biết. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, việc nâng tuổi nghỉ hưu được đặt ra với nhu cầu thực tế của thị trường lao động hiện tại và trong tương lai. Trong dự thảo bộ luật lao động sửa đổi đang được đưa ra lấy ý kiến nội dung này và nó thu hút sự chú ý của người lao động. Hiện dự thảo đưa ra 2 phương án.
Các phương án tăng tuổi nghỉ hưu
Phương án 1: Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ, sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Có thể coi phương án này là lộ trình chậm, cả nam và nữ sẽ về hưu muộn hơn. Nhóm lao động nam trong phạm vi nâng tuổi nghỉ hưu có năm sinh từ 1961 trở đi sẽ bị ảnh hưởng. Người sinh năm 1968 sẽ về hưu ở tuổi 62 và lộ trình này kết thúc vào năm 2028. Còn với nhóm lao động nữ, phạm vi nâng tuổi nghỉ hưu có năm sinh từ 1966 trở đi sẽ bị ảnh hưởng. Người sinh năm 1980 sẽ về hưu ở tuổi 60 và lộ trình này kết thúc vào năm 2035.
Phương án 2: Lộ trình nâng nhanh hơn. Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ, sau đó cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Với lao động nam sinh năm 1966 sẽ về hưu ở tuổi 62 và lộ trình này kết thúc vào năm 2026. Với lao động nữ sinh năm 1975 sẽ về hưu ở tuổi 60 và lộ trình này kết thúc vào năm 2030.
Những lao động bị suy giảm sức khỏe, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm... có quyền nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn, nhưng không quá 5 tuổi. Với phương án này, sẽ mất khoảng 12-15 năm để hoàn thành lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động lên 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Thời gian nâng từng năm một giúp cho thị trường lao động có sự chuẩn bị, vận hành của thị trường không bị xáo trộn và giảm đi nhiều tiêu cực không đáng có.
Tại sao cần nâng tuổi nghỉ hưu vào thời điểm này?
Theo các chuyên gia, việc nâng tuổi nghỉ hưu bởi 3 lý do. Một là, đáp ứng thiếu hụt trong thị trường lao động trong tương lai. Xu hướng già hóa dân số đang diễn ra rất nhanh khi hiện tại Việt Nam đang có dân số vàng. Hai là, việc điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu còn đúng với công ước quốc tế về bình đẳng giới trong độ tuổi nghị hưu. Ba là, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ giúp tăng tính bền vững của xã hội.
Trong lúc các phương án nâng tuổi nghỉ hưu đang được lấy ý kiến trong cộng đồng trong khi hiện tại, 2 triệu người đang tiếp tục đi làm dù đã cầm sổ hưu. Điều này cho thấy, nghỉ hưu ở độ tuổi 55 và 60 với nhiều người là sớm, chưa tận dụng hết sức lao động của nhóm nhân lực này. Nâng tuổi nghỉ hưu là phù hợp với thể lực và nhu cầu của thị trường việc làm.
Theo thống kê, hiện nay, tuổi thọ trung bình sau 60 tuổi của người Việt Nam là 22 năm trong đó số năm khỏe là 13,8 năm đối với nam và 16,1 năm đối với nữ. Như vậy, đa số đều còn khả năng lao động sau tuổi 60 nhiều năm nữa. Việt Nam đang trong giai đoạn già hóa dân số. 5 năm trước, mỗi năm, Việt nam có thêm 1,2 triệu lao động mới vào thị trường lao động thì nay, con số này chỉ còn 400.000 người.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!