Ngăn chặn "virus" tin giả lây lan, gây hoang mang và mất niềm tin

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 20/03/2020 21:31 GMT+7

VTV.vn - Trong thời điểm xảy ra dịch bệnh, những tin giả còn lan nhanh hơn dịch thật. Dù với mục đích gì, tin giả đã gây ra hệ lụy xấu trong lúc xã hội cần nhất sự đồng thuận.

Hiện tại, COVID-19 đã trở thành đại dịch toàn cầu. Ở bất cứ đâu, chúng ta cũng có thể nghe thấy những thông tin về dịch bệnh này. COVID-19 đã ảnh hưởng đến gần như mọi mặt của đời sống xã hội, khiến cuộc sống bị đảo lộn. Ngành y tế vẫn đang nỗ lực và đi đầu trong công cuộc chống dịch. Song hành cùng với y tế là biết bao những bộ phận khác cũng đang cố gắng không ngừng trong việc phòng chống dịch.

Tại Việt Nam, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Bí thư, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, chiến đấu chống COVID-19. Toàn dân cũng đang được kêu gọi tham gia vào cuộc chiến chống lại dịch bệnh này.

Cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn và cực kỳ cam go. Tuy nhiên, bên cạnh việc chiến đấu với dịch bệnh nguy hiểm, chúng ta còn phải đối diện với loại "virus" cực kỳ nguy hiểm khác, đó chính là tin giả hay những thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận.

Tin giả xuất hiện ở khắp nơi, từ truyền miệng cho tới trên các trang mạng xã hội và truyền thông xã hội. Điều đáng nói là tin giả tác động rất mạnh đến người dân, khiến họ tin theo và xuất hiện những tâm lý hoang mang.

Nhận diện các loại tin giả

Có thể tạm chia các loại tin giả, thông tin xấu độc thành 3 loại:

- Loại thứ nhất là những thông tin hoàn toàn bịa đặt. Đó là những tin đồn thất thiệt.

- Loại thứ hai là những thông tin với mục đích gây hoang mang dư luận.

- Loại thứ ba là những thông tin giả với mục đích chống đối chính quyền, chia rẽ xã hội, làm giảm lòng tin của người dân vào các giải pháp của chính quyền. Đây là loại tin giả cực kỳ nguy hiểm.

Tin giả còn lan nhanh hơn dịch bệnh

Trong thời điểm xảy ra dịch bệnh, những tin bịa đặt xuất hiện không hề hiếm, thậm chí còn lan nhanh hơn dịch thật. Chỉ vài tháng khi COVID-19 bùng phát, các lực lượng chức năng của ngành công an đã phát hiện và xử lý hơn 800 đối tượng liên quan đến việc phát tán tin giả, tin xuyên tạc với nhiều thủ đoạn khác nhau.

Công cụ cơ bản để ứng phó với nạn tin giả trên không gian mạng hiện nay là Luật An ninh mạng. Luật quy định, tùy theo tính chất, mức độ, những hành vi vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bồi thường nếu có gây thiệt hại. Tuy nhiên, đây mới chỉ là quy định chung. Chế tài trực tiếp nằm ở một số nghị định cụ thể.

Dù nhằm mục đích gì, tin giả cũng đã gây ra hệ lụy xấu trong lúc xã hội cần nhất sự đồng thuận. Những tin đồn thất thiệt chắc chắn không thể giúp chống dịch chứ chưa nói tới việc cứu được người bệnh. Trong lúc cả nước chống dịch như chống giặc, không chỉ virus gây bệnh mà cả "virus" tin đồn cũng cần được các lực lượng chức năng vào cuộc, chung tay phòng chống, ngăn chặn và xử lý.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước