Ngành du lịch ước tính thiệt hại 7 tỷ USD do ảnh hưởng của dịch COVID-19

P.V-Thứ ba, ngày 03/03/2020 20:48 GMT+7

Toàn cảnh buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2020 (Ảnh: VGP)

VTV.vn - Theo báo cáo của Chính phủ, dịch COVID-19 đã tác động rất lớn đến các khía cạnh của đời sống kinh tế, xã hội, trong đó, ngành du lịch ước tính thiệt hại khoảng 7 tỷ USD.

Trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2020 diễn ra tại Hà Nội chiều nay (3/3), dưới sự chủ trì của ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ, nhiều nội dung được báo chí và dư luận quan tâm đã được đề cập.

Về tình hình kinh tế xã hội tháng 2 và hai tháng đầu năm, Chính phủ đánh giá, thời gian qua, công tác phòng chống và kiểm soát dịch bệnh COVID-19 được đặt ra là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo với tinh thần "chống dịch như chống giặc" của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân cùng với hệ thống các giải pháp quyết liệt, kịp thời, chủ động, đồng bộ, phù hợp với thực tiễn.

Nhờ vậy, Việt Nam đã đạt được kết quả thành công bước đầu quan trọng trong phòng chống, kiểm soát dịch COVID-19, được cộng đồng quốc tế và nhân dân đánh giá cao. Cả nước chỉ ghi nhận 16 ca mắc COVID-19 và đã điều trị hồi phục sức khỏe cho cả 16 người, nhiều ngày qua không ghi nhận ca nhiễm bệnh mới. Các hoạt động giám sát y tế, cách ly người đến từ vùng dịch (như Trung Quốc, Hàn Quốc, Iran, Italy...) đã được thực hiện nghiêm.

Chính phủ cũng ghi nhận và đánh giá cao hoạt động của Ban Chỉ đạo Quốc gia và nỗ lực thực hiện hiệu quả các giải pháp đồng bộ, toàn diện của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Tuy nhiên, trong nhiều ngày qua, tại nhiều nước trên thế giới, dịch COVID-19 vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến mới phức tạp, số người mắc tăng nhanh, lan rộng sang nhiều nước, trong đó có những địa bàn là thị trường, đối tác quan trọng của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, một số quốc gia châu Âu... Diễn biến dịch bệnh COVID-19 trong thời gian tới vẫn tiếp tục hết sức phức tạp và khó lường, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.

Dịch COVID-19 đã tác động rất lớn đến các khía cạnh của đời sống kinh tế, xã hội, gây thiếu hụt lao động tức thời, làm gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh. Các hoạt động lưu chuyển, vận chuyển hàng hóa, hành khách, dịch vụ y tế, giáo dục, du lịch, ăn uống, lưu trú…bị ảnh hưởng nặng nề. Lưu trú khách sạn giảm 60%, số lượng du khách giảm 2 con số, ngành du lịch ước tính thiệt hại khoảng 7 tỷ USD. Một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tạm ngừng hoặc thu hẹp hoạt động.

Trong tháng 2 và hai tháng đầu năm, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kết hợp với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cúm gia cầm H5N1, H5N6… trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm do tác động của dịch, một số chỉ tiêu thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ chưa đạt kết quả như dự kiến, tuy nhiên, tình hình kinh tế xã hội vẫn còn nhiều điểm sáng, cụ thể như :

- Thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định, đến ngày 20/2, so với cùng kỳ năm 2019, tổng phương tiện thanh toán tăng 13,06%, huy động vốn tăng tăng 14,15%. Trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19, ngành Ngân hàng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạm thời cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xây dựng kế hoạch hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch COVID-19, áp dụng chính sách ưu đãi lãi suất cho vay, miễn giảm phí dịch vụ. Như chúng ta biết, trước khó khăn, thiệt hại nặng nề của các cá nhân, doanh nghiệp bởi dịch COVID-19, 23 tổ chức tín dụng thông báo đã miễn, giảm lãi suất, khoanh, giãn nợ... cho 44.000 khách hàng với dư nợ tín dụng lên tới 222.000 tỷ đồng.

- Kinh tế vĩ mô cơ bản tích cực; CPI tháng 2/2020 giảm 0,17% so với tháng trước. CPI bình quân 02 tháng đầu năm tăng 5,91%, tuy thấp hơn so với tháng trước (6,43%) nhưng vẫn còn ở mức cao.

- Xuất khẩu vẫn tăng trưởng; nhập siêu trong kiểm soát. Xuất khẩu ước đạt 36,9 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ. Nhập khẩu ước đạt 37,1 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ. Nhập siêu khoảng 176 triệu USD.

- Nông nghiệp vẫn được duy trì ổn định, nhiều lĩnh vực tiếp tục tăng trưởng; dịch bệnh dần được kiểm soát, đàn gia cầm tăng 13,8%, đàn bò tăng 2,4%; khai thác gỗ tăng 3,6%; sản lượng thủy sản tăng 2,7%.

- Mặc dù chịu tác động mạnh của dịch COVID-19 nhưng các ngành công nghiệp vẫn duy trì, ổn định và tiếp tục tăng trưởng khá; IIP tháng 2/2020 ước tăng 8,4% so với tháng trước và tăng 23,7% so với cùng kỳ năm trước; IIP 2 tháng 2020 ước tăng 6,2%, trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 7,4%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,4%...

- Số lượng doanh nghiệp đăng ký mới tăng cả về số lượng và vốn; số doanh nghiệp giải thể giảm sau nhiều năm. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký tiếp tục đạt mức cao so với cùng kỳ; với trên 17.400 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký gần 364 nghìn tỷ đồng (tăng 9,1% về số doanh nghiệp và tăng 47,1% về số vốn đăng ký). Có gần 12.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 17,1%. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-TTg về tạo điều kiện cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

- Các vấn đề an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện. Số lượt hộ thiếu đói, giảm 85,8%, số nhân khẩu thiếu đói, giảm 86,4%; hỗ trợ các hộ thiếu đói trên 205 tấn gạo; đặc biệt đã chi 517 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương cho chống dịch COVID-19.

Ngoài ra, Việt Nam còn ghi nhận một số kết quả quan trọng trong tháng như:

- Việt Nam có 3 đại diện lọt vào danh sách 500 trường đại học hàng đầu ở các nền kinh tế mới nổi của Times Higher Education gồm Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

- Theo hãng Kuonio, Việt Nam lọt top 10 điểm nghỉ dưỡng sang trọng nhất thế giới năm 2020 với nền văn hóa đa dạng và cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp.

- Lần đầu tiên, Việt Nam thực hiện ghép tay từ người cho còn sống, đây là ca ghép chi thể đầu tiên ở Đông Nam Á và là ca ghép chi thể từ người cho sống đầu tiên trên thế giới.

- Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã nuôi cấy và phân lập thành công COVID-19 trong phòng thí nghiệm.

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn đang gặp nhiều khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và những yếu kém nội tại của nền kinh tế cũng như các tác động tiêu cực khác từ bên ngoài. Trong tháng 2 và hai tháng đầu năm, hầu hết các chỉ tiêu đều giảm so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước