Các Bộ, ngành và địa phương phải có giải pháp, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm nay. Thủ tướng Chính phủ mới đây đã ký công điện chỉ đạo việc này. Điều này thể hiện sự quyết tâm rất cao của chính phủ. Đặc biệt là trong bối cảnh, thời gian qua, giải ngân vốn đầu tư công đã liên tiếp bị chậm tiến độ.
Vấn đề càng đáng báo động khi trong 8 tháng qua tốc độ giải ngân vốn đầu tư công đã ở mức thấp nhất trong cả giai đoạn 2016 - 2019, gây ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng chung của nền kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn. Do thiếu hoặc chậm giải ngân vốn, nhiều dự án, công trình trọng điểm đã không thể hoàn thành đúng tiến độ.
Với tổng mức đầu tư trên 16 tỷ USD, dự kiến khi đi vào hoạt động Sân bay Long Thành sẽ đóng góp từ 3 đến 5% GDP cả nước. Tuy dự án đã được bố trí gần 7.000 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ để giải phóng mặt bằng nhưng đến nay mới giải ngân được chưa đến 5%.
Thực tế này không chỉ gây chậm trễ triển khai dự án mà còn tạo ra nghịch lý, tiền đã vay về và phải trả lãi cả năm nay, nhưng không tiêu được. Vốn tắc nghẽn ở dự án này, trong khi nhiều dự án quan trọng khác lại không có nguồn để bố trí.
Tám tháng qua, cả nước mới giải ngân được hơn 160.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, bằng có gần 38% kế hoạch Quốc hội giao, thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Hiện có tới 47 Bộ, ngành và địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 40%.
Trong khi đó để đáp ứng kế hoạch vốn cho đầu tư phát triển, Chính phủ đã phải phải vay cả trong và ngoài nước hơn 220.000 tỷ đồng/năm. Giải ngân chậm khiến phát sinh nợ lãi, gây áp lực xấu đến nợ công nhưng Bộ tài chính vẫn phải vay theo kế hoạch đã đề ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!