Hơn 9,3 tỷ đồng là số tiền mà ông Nguyễn Thanh Chấn đang yêu cầu các cơ quan chức năng bồi thường cho gần 10 năm ngồi tù oan. Ngoài số tiền về những ngày giam oan, tổn thất về tinh thần, sức khỏe của bản thân thì ông Chấn còn yêu cầu các khoản bồi thường về những tổn hại của vợ, mẹ và các con. Theo gia đình, đến thời điểm này cuộc sống của họ vẫn không thể ổn định như trước ngày ông Chấn bị bắt.
Theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, những nội dung được xem xét bồi thường bao gồm: thiệt hại do tài sản bị xâm phạm; thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại do tổn thất về tinh thần; thiệt hại về vật chất do bị tổn hại về sức khỏe; tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu. Mặc dù, có thể nhìn thấy những tổn thất về tinh thần và vật chất mà gia đình ông Chấn phải chịu đựng do oan sai gây ra, tuy nhiên, đối chiếu với Luật thì không phải tổn thất nào cũng được bồi thường.
Nhiều ý kiến cho rằng, sẽ là thiệt thòi cho gia đình những người chịu oan sai khi không được bồi thường bởi, hầu hết họ cũng bị tổn thất về tinh thần và vật chất trong suốt quá trình minh oan cho người thân của mình.
Cũng chịu án sai như ông Chấn là trường hợp của ông Lương Ngọc Phi (Phường Quang Trung, Thái Bình). 3 năm ngồi tù oan và thêm 2 năm sau khi ra tù, các cơ quan tố tụng của tỉnh Thái Bình mới hoàn tất thủ tục để minh oan hoàn toàn cho ông Lương Ngọc Phi về 2 tội trốn thuế và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa.
Theo quy định, ngoài số tiền bồi thường về những ngày giam oan thì ông Phi còn được bồi thường thiệt hại về tài sản vì toàn bộ số tài sản của ông đã bị cơ quan Công an tỉnh Thái Bình phát mại. Sau gần 16 năm từ ngày bị bắt oan, tháng 4/2013, TAND tỉnh Thái Bình bị tuyên buộc phải bồi thường thiệt hại về tài sản cho ông Phi 21 tỷ đồng, số tiền bồi thường được cho là lớn nhất cả nước từ trước tới nay. Thế nhưng, sau khi đã xác định được cơ quan có trách nhiệm bồi thường, đến nay ông Phi vẫn chưa nhận được bồi thường.
Theo Luật sư Nguyễn Hồng Bách, trên thực tế có những trường hợp bản án sơ thẩm tuyên vô tội, nhưng vì tòa phúc thẩm lại tuyên hủy bản án sơ thẩm đó, trong khi hiệu lực điều tra lại đã hết và lúc này những người ngồi tù oan sẽ chẳng bao giờ được Nhà nước bồi thường.
Mặc dù Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước đã có những quy định về trách nhiệm của những cơ quan bồi thường, tuy nhiên thực tế vẫn đang tồn tại nhiều kẽ hở dẫn tới công tác bồi thường của Nhà nước đối với án oan sai chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Sau đây phóng viên VTV sẽ phân tích những bất cập này: